Multimedia Đọc Báo in

"Khoảng trống" sân chơi hè cho trẻ em vùng sâu

11:06, 29/07/2019

Mùa hè này, cứ tầm 6 giờ hằng ngày, em Y Noen Lào, 9 tuổi (ở buôn Tul, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) lại ăn vội chén cơm nguội rồi lùa đàn bò 13 con vào rừng để chăn cho đến chiều muộn. Niềm vui của em chỉ giản đơn là hống đuổi bò chạy, hoặc tranh thủ lúc bò ăn no thì trèo cây tìm kiếm tổ chim, quả rừng…

Y Noen cho biết, ngày hè nào cũng vậy, em và anh trai 10 tuổi lại phải phụ giúp bố mẹ việc nhà. Nếu anh đi rẫy thì em đi chăn bò và ngược lại. Với em Đặng Văn Hoàng Hiệp (thôn 6, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), trong dịp hè này, ngoài việc trông nhà, phụ giúp bố mẹ, thời gian rảnh em cùng một vài bạn chơi thả diều, tạt lon… nhưng cũng chỉ ở xung quanh xóm, vì đa số các bạn đều phải đi chăn bò, phụ giúp gia đình.

Ngày hè của em Y Noen Lào (ở buôn Tul, xã E Wer) là chăn thả đàn bò mỗi ngày.
Ngày hè của em Y Noen Lào (ở buôn Tul, xã E Wer) là chăn thả đàn bò mỗi ngày.

Tương tự, em Huỳnh Chí Thuận, 12 tuổi (ở thôn Sân Bay, xã Bông Krang, huyện Lắk) cũng chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà, thời gian rảnh rỗi em chơi game hoặc xem ti vi. Em Thuận chia sẻ: “Nghỉ hè con chỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ quét nhà, nấu cơm, trông em. Khu vực nhà con ở không có khu vui chơi, bể bơi. Con mong muốn có khu vui chơi, cầu trượt, bể bơi...”.

Em Đặng Văn Hoàng Hiệp (bên trái), ở thôn 6 (xã Ea Wer) cùng bạn làm diều.
Em Đặng Văn Hoàng Hiệp (bên trái), ở thôn 6 (xã Ea Wer) cùng bạn làm diều.
 

“Những năm qua các cấp chính quyền trong tỉnh đã tạo nhiều sân chơi cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng khó khăn. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những trẻ em chưa có khu vui chơi giải trí, trốn gia đình đi tắm ao hồ, sông suối hoặc chơi các trò chơi không an toàn dẫn đến tai nạn thương tích và đuối nước…”.

 

 
Bà Lại Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè không chỉ diễn ra ở huyện Buôn Đôn, huyện Lắk mà là tình trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Mặc dù chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hè cho thiếu nhi, song do thiếu mặt bằng xây dựng sân chơi cho trẻ em và bản thân các em phải phụ giúp bố mẹ làm việc nhà nên số lượng đến sinh hoạt không nhiều.

Anh Nguyễn Quang Trung, Phó Bí thư Huyện Đoàn Buôn Đôn nêu thực trạng: Công tác tổ chức các hoạt động hè, tạo sân chơi cho trẻ em trên địa bàn huyện có những khó khăn nhất định, đặc biệt các khu vui chơi cho thiếu nhi rất thiếu, trong khi nguồn lực thực hiện các công trình này cũng khá lớn. Bên cạnh đó, đa phần các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi nghỉ hè phải phụ giúp gia đình, bố mẹ, do vậy công tác tập hợp hè, đặc biệt là việc tuyên truyền cho các em về phòng tránh tai nạn đuối nước hoặc các kỹ năng sống rất khó…

Tổ chức sinh hoạt hè ở địa phương là việc làm hết sức ý nghĩa, không chỉ góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho các em mà còn giúp gia đình và địa phương quản lý các em trong những tháng nghỉ hè. Để thực hiện tốt điều này cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc bố trí kinh phí, quỹ đất, xây dựng các điểm vui chơi, sinh hoạt tập thể. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh cũng như sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong dịp hè… Qua đó giúp trẻ em ở vùng sâu, vùng xa được vui chơi, giải trí, có cơ hội phát triển bình đẳng, bảo đảm được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.