Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng người dân vùng lũ

09:46, 25/09/2019
Sau những ngày mưa lũ trắng trời gây ngập lụt ở nhiều nơi trong tỉnh, cùng các địa phương, đơn vị, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kịp thời đồng hành cùng người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Đợt mưa lũ xảy ra vào đầu tháng 8 vừa qua đã khiến cho 4 ha đất trồng sắn và lúa đang trong thời kỳ trổ bông của gia đình chị Vi Thị Nhung (thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) bị ngập úng và mất trắng hoàn toàn. Không những thế, mưa lớn còn khiến nhiều đồ đạc của gia đình chị bị hư hỏng nặng. Nhìn sản nghiệp nhà nông tan hoang sau mưa lũ, chị Nhung hết sức lo lắng vì kinh tế của gia đình phụ thuộc cả vào việc trồng sắn và lúa, nay lại mất trắng, phải chờ đến tháng 3 năm sau mới có thể gieo trồng lại, trước mắt chắc mẹ con chị phải đi làm thuê làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống qua ngày.

Người dân xã Ia Lốp nhận thùng hàng gia đình từ Đoàn cứu trợ trao tặng.
Người dân xã Ia Lốp nhận thùng hàng gia đình từ Đoàn cứu trợ trao tặng.

Mưa lũ cũng đã gây ngập 1,5 ha lúa, ngập chòi lán, khu vực chăn nuôi và cuốn trôi gần 50 con gà, làm hỏng các dụng cụ sản xuất (máy cưa, máy phát cỏ) khiến gia đình ông Nguyễn Văn Tèo (thôn 12, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Kế sinh nhai của gia đình coi như mất trắng, trong khi đó, phương tiện sản xuất hầu như đều hư hỏng, khiến gia đình ông không khỏi hoang mang, không biết phải bắt đầu lại từ đâu.

Không chỉ riêng gia đình chị Nhung, ông Tèo, tại huyện Ea Súp, đợt mưa lũ trong tháng 8 vừa qua đã khiến cho 614 nhà dân và hơn 6.000 ha cây trồng bị ngập lụt, gần 1.400 con gia súc, gia cầm bị chết với tổng thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng. Trước những thiệt hại to lớn ấy, ngay sau khi mưa lũ đi qua, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị đã tích cực giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó phải kể đến sự vào cuộc tích cực của Hội Chữ thập đỏ các cấp.

Ngay sau mưa lũ, Đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Trung tâm Ứng phó thảm họa và Kho hàng miền Trung và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kịp thời có mặt trao 100 thùng hàng gia đình (gồm: thùng nhựa, xô nhựa đựng nước, màn tuyn, chăn len, nồi nhôm...) và 100 suất tiền mặt (500.000 đồng/suất) có tổng trị giá 115 triệu đồng tặng 200 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề ở 3 xã Ia Lốp, Ia R’vê và Ea Rốk. Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn cứu trợ còn trực tiếp đến các hộ gia đình nắm tình hình thiệt hại, động viên người dân cố gắng vượt qua khó khăn, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Thành viên Đoàn cứu trợ hỏi thăm tình hình thiệt hại và động viên người dân vùng lũ.
Thành viên Đoàn cứu trợ hỏi thăm tình hình thiệt hại và động viên người dân vùng lũ.

Giữa cơn bĩ cực, món quà của Hội Chữ thập đỏ không chỉ giúp người dân vùng lũ vơi bớt khó khăn, mà đó còn là sự động viên tinh thần không hề nhỏ, bởi như lời chị Vi Thị Nhung: “Ông cha ta từng nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhờ sự hỗ trợ, ứng cứu kịp thời từ Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, gia đình tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt khó”. Hay như lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tèo: “Trong lúc khó khăn, thiếu thốn này, thùng hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ đã cung cấp cho gia đình tôi một số vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt cấp thiết hàng ngày. Với chúng tôi món quà ấy đáng quý lắm vì cộng đồng, xã hội luôn sát cánh cùng khắc phục hậu quả thiên tai”.

Bà Nguyễn Thị Phi Thảo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, ngoài hoạt động cứu trợ đột xuất nói trên, để tiếp tục hỗ trợ cho người dân vùng lũ, mới đây đơn vị đã triển khai Dự án “Cứu trợ khẩn cấp sau mưa lũ” do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ. Với Dự án này, từ tháng 8 đến tháng 11-2019, người dân ở 5 xã bị ảnh hưởng mưa lũ của 3 huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk sẽ được tiếp nhận 300 thùng hàng gia đình tổng trị giá 200 triệu đồng và 2,2 tỷ đồng tiền mặt không hoàn lại nhằm hỗ trợ sinh kế.

Dự án “Cứu trợ khẩn cấp sau mưa lũ” được triển khai tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Kiên Giang. Hoạt động của Dự án gồm: tổ chức cấp phát thùng hàng gia đình; cấp phát tiền mặt; tổ chức các hoạt động truyền thông về vệ sinh môi trường, nước sạch, phòng chống dịch bệnh.

Kim Mai

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.