Cải thiện đời sống nhờ xuất khẩu lao động
Thời gian qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống.
Chị H’Đỗ Niê (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) là một trong những người đã vươn lên thoát nghèo sau khi đi XKLĐ về. Chị H’Đỗ chia sẻ: “Lập gia đình rồi ra ở riêng, không có đất sản xuất và nghề nghiệp ổn định, hai vợ chồng tôi phải xoay xở làm rất nhiều công việc nhưng vẫn không đủ chi phí trang trải sinh hoạt hằng ngày, đến khi sinh con thì cuộc sống lại càng thêm khốn khó. Thấy trong xã nhiều người đi XKLĐ có thu nhập gửi về cho gia đình, xây nhà kiên cố, khang trang, mở xưởng sản xuất, kinh doanh nên năm 2012 tôi bàn với chồng đi XKLĐ tại Malaysia".
Chị H'Đỗ Niê đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn cây của gia đình từ nguồn vốn XKLĐ. |
Với công việc chính khá phù hợp là đóng gói thực phẩm, lại chăm chỉ, chịu khó nên mỗi tháng, trừ các khoản chi phí anh chị cũng tiết kiệm được một khoản tiền gửi về cho gia đình. Thời gian đầu chỉ có khoảng 5 triệu đồng/tháng, sau này anh chị chịu khó tăng ca thì số tiền tiết kiệm cứ thế tăng dần lên từ 10 -15 triệu đồng/tháng. Về nước sau khi hoàn thành hợp đồng XKLĐ 3 năm, với số vốn tích lũy được, vợ chồng chị H’Đỗ đang đầu tư cải tạo lại vườn cha mẹ cho để trồng thêm bơ, sầu riêng và xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Thấy được hiệu quả của việc XKLĐ, mới đây chị gái cùng em gái của chị H’Đỗ cũng đã sang Malaysia để lao động, kiếm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.
Chị Lê Thị Thanh Thảo
|
Chị Lê Thị Thanh Thảo (Tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ nguyên nhân khiến chị quyết định XKLĐ sang Nhật: “Mới ra trường, mức lương 5 triệu đồng/tháng chỉ vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu. Mấy anh chị mình quen từng đi xuất khẩu lao động, về nước có vốn để chuyển hướng kinh doanh ổn định nên mình nghĩ đây là cơ hội tốt”.
Qua kênh tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chị Thảo đăng ký đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Đầu năm 2017, chị Thảo sang Nhật Bản và được giới thiệu làm việc tại công ty chế biến thực phẩm với thời gian bình quân 8 giờ/ngày. Trừ hết chi phí, mỗi tháng chị còn dư hơn 20 triệu đồng gửi về gia đình. Trở về sau 2 năm làm việc tại Nhật Bản, chị Thảo làm kế toán cho một công ty vận tải ở gần nhà. Hiện tại, chị đang sử dụng số vốn tích cóp được từ XKLĐ đầu tư mở một quán cà phê có phong cách mới lạ, độc đáo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, với mong muốn kiếm thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trong thời gian tới.
Chị Lê Thị Thanh Thảo (bên phải) trong khoảng thời gian XKLĐ tại Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều người trở về sau XKLĐ có cuộc sống ổn định. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu lao động hiện vẫn đang là một kênh giải quyết việc làm hữu hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc