Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả các công trình nhân đạo tại trường học

10:49, 18/12/2019

Trong những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức vận động nguồn kinh phí để xây dựng các công trình nhân đạo tại những trường học có điều kiện khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học tại địa phương.

Điểm trường buôn Bung thuộc Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) được thành lập năm 1988 nhằm phục vụ nhu cầu học tập cho con em của người dân trong buôn, chủ yếu là dân tộc Êđê. Điểm trường có 3 phòng học, với hơn 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, các công trình phụ trợ tại điểm trường như nhà vệ sinh, giếng nước, tường rào… đều xuống cấp trầm trọng hoặc đã hư hỏng. Vào mùa khô giếng cạn nước, các cô phải đi xin nước của người dân hoặc xách từ nhà đến cho học sinh sử dụng, còn việc vệ sinh hằng ngày của cô trò rất bất tiện.

Sân chơi bê tông sạch đẹp của điểm trường buôn Bung.
Sân chơi bê tông sạch đẹp của điểm trường buôn Bung.

Đầu năm 2018, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kết nối với Hội Phụ nữ từ thiện TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình phụ trợ tại điểm trường buôn Bung. Công trình gồm khu nhà vệ sinh 4 phòng và một giếng khoan 100 mét, được trang bị thêm bồn nước inox dung tích 3.000 lít với tổng kinh phí gần 238 triệu đồng, hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học 2018-2019.

Đến đầu năm 2019, Hội Phụ nữ từ thiện TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kêu gọi và vận động các hội viên đóng góp 137 triệu đồng để bê tông hóa sân trường giúp các em có nơi vui chơi sạch sẽ, thoáng mát, không còn phải chịu cảnh bụi bặm hay lầy lội như trước. Những công trình nghĩa tình này khiến thầy cô, học sinh và các bậc phụ huynh vô cùng vui mừng, phấn khởi...

Ngoài ra, UBND huyện Cư Kuin cũng hỗ trợ điểm trường 30 triệu đồng để sửa sang lại cổng, bậc tam cấp và hệ thống cống nước. Cô Phan Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cho biết: “Các công trình phụ trợ được xây dựng và hoàn thiện từ những tấm lòng thảo thơm đã giúp cho các em học sinh dân tộc thiểu số nơi đây thuận tiện hơn trong học tập và vui chơi, bảo đảm sức khỏe để học hành tốt hơn”.

 Hội Chữ thập đỏ huyện Ea Kar cũng đã vận động kinh phí để xây dựng các lớp mẫu giáo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Trước đây, trên địa bàn huyện rất nhiều thôn, buôn không có lớp mẫu giáo nên các em phải học “ké” tại các hội trường thôn, buôn hoặc mượn tạm nhà dân. Các xã vùng III như Cư Yang, Cư Elang, Ea Sô… điều kiện về cơ sở vật chất trường học còn nhiều thiếu thốn, mỗi xã chỉ có một trường mẫu giáo, có xã còn chưa có nên các em phải đi học xa rất vất vả, nhất là vào mùa mưa.

Từ năm 2014, Hội triển khai vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí xây dựng lớp mẫu giáo giúp các em có điều kiện đi học. Đến nay, từ nguồn đóng góp của người dân, kinh phí đối ứng của địa phương cùng với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, Hội đã xây dựng được 16 phòng học mẫu giáo và các công trình vệ sinh tại các điểm trường vùng xa, với tổng trị giá hơn 3,6 tỷ đồng. Với mô hình vận động xây dựng nhà mẫu giáo này, trung bình mỗi năm Hội đã tạo điều kiện cho 1.120 cháu nhỏ có cơ hội thuận lợi đến trường để học tập, vui chơi.

Công trình nhà vệ sinh và giếng khoan do Hội Phụ nữ từ thiện TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng cho điểm trường buôn Bung (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin).
Công trình nhà vệ sinh và giếng khoan do Hội Phụ nữ từ thiện TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng cho điểm trường buôn Bung (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin).

Năm 2017, Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột đã vận động cán bộ, hội viên sinh hoạt tại các chi hội đóng góp 70 triệu đồng để xây dựng bếp ăn bán trú điểm trường thôn Tự Thành thuộc Trường Mầm non Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) giúp các cháu nhỏ được ăn uống và nghỉ trưa ngay tại trường, khắc phục tình trạng phụ huynh phải đưa đón ngày hai buổi rất mất công sức và thời gian như trước kia....

Có thể thấy, nhiều công trình nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ kết nối, hỗ trợ xây dựng tại những điểm trường khó khăn có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy học nơi đây.

Triển khai chương trình an sinh xã hội, từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, xây dựng mới 17 phòng học mẫu giáo, 216 căn nhà, khoan 6 giếng nước sạch… trị giá hơn 13,6 tỷ đồng.


Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.