Multimedia Đọc Báo in

Họa sĩ... nail

07:08, 08/12/2019

Khoảng 4 năm trở lại đây, khi nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng tăng thì vẽ nail (làm móng tay, chân) trở thành một nghề thịnh hành ở TP. Buôn Ma Thuột, giúp nhiều bạn trẻ có thêm cơ hội việc làm với mức thu nhập ổn định. Không đơn giản chỉ là cắt, giũa và sơn móng, người vẽ nail còn như một “họa sĩ” khi “hô biến” những bộ móng đơn điệu trở nên sinh động và cá tính.

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có hàng trăm cửa hàng làm nail lớn nhỏ. Chủ tiệm nail chủ yếu là các bạn trẻ 9X, sau khi trải qua khóa đào tạo vẽ nail 6 tháng thì có thể “vào nghề”. Dù mới mở được 2 năm nhưng “Little U” (đường Lê Hồng Phong) của Trần Thị Bích Uyên (24 tuổi) đã trở thành một địa chỉ làm nail yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Với niềm đam mê làm đẹp, Bích Uyên đã cất tấm bằng đại học ngành Nông Lâm của trường Đại học Tây Nguyên để chọn nghề vẽ nail. Bích Uyên chia sẻ: Làm nail tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm tốt, vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và nhất là cần có năng khiếu hội họa. Trang trí những họa tiết trên móng nhiều lúc cũng giống như vẽ một bức tranh tí hon với đủ màu sắc. Người vẽ nail cần phải thường xuyên sáng tạo, tìm kiếm màu sơn mới để có những bộ móng nghệ thuật đẹp mắt, bắt kịp với xu hướng của thị trường.

Chị Vương Thu Hương (bên trái) tô màu sơn gel cho khách để giúp các nét vẽ đẹp và bền hơn.
Chị Vương Thu Hương (bên trái) tô màu sơn gel cho khách để giúp các nét vẽ đẹp và bền hơn.

Theo Bích Uyên, để có một “sản phẩm móng”, người vẽ nail sẽ phải mất từ 45 phút đến hơn 2 giờ đồng hồ. Trước khi sơn, khách hàng cần phải ngâm nước làm mềm móng. Sau đó, người vẽ nail cắt bỏ lớp da sần sùi, tạo dáng cho móng và sơn màu. Chất liệu sơn hiện nay được nhiều người yêu thích là sơn gel vì độ bền cao, giúp người vẽ dễ sáng tạo nhiều kiểu họa tiết hơn so với sơn thường.

 

"Vẽ nail như một thói quen làm đẹp. Có bộ móng tay đẹp giúp tôi tự tin hơn khi đi chơi với bạn bè...”.

 
 
Trần Anh Thư, một khách hàng của tiệm Nail Hương Moon

Theo Bích Uyên, giá một bộ nail chỉ sơn và vẽ gel dao động từ 70.000 đồng - 170.000 đồng/bộ. Nếu thêm nhiều công đoạn cầu kỳ có thể gần 500.000 đồng/bộ. “Công đoạn khó nhất để tạo nên “cá tính” cho bộ móng là phần trang trí. Vì diện tích móng không lớn, đòi hỏi những đường vẽ nhỏ, chi tiết, yêu cầu người làm nail phải tập trung mới có thể “thổi hồn” vào những họa tiết đó thật sinh động. Tùy sở thích và độ tuổi của khách hàng để vẽ những họa tiết khác nhau như hoa, lá, con vật, hoạt hình... Ngoài ra, còn có họa tiết theo từng mùa hoặc ngày lễ. Ví dụ đón giáng sinh, mình thường vẽ hình ông già Noel, bông tuyết, xe tuần lộc, hộp quà, cây thông...” - Bích Uyên miêu tả.

Dù còn khá trẻ nhưng Vương Thu Hương (21 tuổi) cũng đã có 3 năm trong nghề với tiệm Nail Hương Moon (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh). Thu Hương cho biết, hiện phong cách nail được nhiều người yêu thích là Hàn Quốc, Nhật Bản với màu sắc và hình vẽ nhẹ nhàng, dễ thương. Còn phong cách “kén” hơn là phong cách châu Âu với kiểu móng dài đính đá màu sắc sặc sỡ.

 Chị Vương  Thu Hương  (bên phải)  tư vấn  các màu sơn  cho khách hàng lựa chọn.
Chị Vương Thu Hương (bên phải) tư vấn các màu sơn cho khách hàng lựa chọn.

Thu Hương cũng cho biết thêm, nail có thể xem là một môn nghệ thuật thú vị với sự kết hợp nhiều kỹ thuật đa dạng để tạo ra những bộ móng sành điệu, “hút mắt”. Vẽ móng hiện nay gồm có vẽ chìm, vẽ nổi và vẽ 3D. Còn sơn móng, ngoài sơn trơn còn có 4 cách sơn phổ biến là nhũ (rắc kim tuyến), đầu móng, ombre (vẽ màu từ đậm sang nhạt) và loang (trộn các màu với nhau tạo ra hiệu ứng lạ mắt). Ngoài ra, để bộ móng ấn tượng hơn, người vẽ nail còn gắn móng giả, đắp bột, đắp gel, đính đá, gắn thêm phụ kiện...

Tuy nhiên, để có được bộ móng đẹp, an toàn sức khỏe, khách hàng nên tìm những địa chỉ làm móng uy tín vì trên thị trường có những sản phẩm sơn không bảo đảm chất lượng, có hại đến móng tự nhiên.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.