Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ xã Ea Kao làm theo lời Bác

07:34, 28/12/2019

Với nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa, Hội LHPN xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên và cộng đồng dân cư.

Hội LHPN xã Ea Kao có trên 2.760 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 14 chi hội. Với phương châm học và làm theo Bác từ những việc giản dị, thiết thực, gắn với sinh hoạt, công việc hằng ngày, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã chỉ đạo các chi hội lồng ghép tuyên truyền các chuyên đề trong sinh hoạt định kỳ, tổ chức biểu dương, nhân rộng những tấm gương điển hình, mô hình, cách làm hay trong việc học là làm theo Bác.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn phát động các chi hội chọn nội dung, phần việc cụ thể “làm theo” Bác phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện của hội viên như: góp quỹ phụ nữ tiết kiệm, quỹ vì phụ nữ nghèo, hũ gạo tình thương, nuôi heo đất, giúp nhau khi ốm đau đột xuất… thu hút đông đảo chị em tham gia.

Hội viên phụ nữ xã Ea Kao tham quan, học tập mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ thôn Cao Thắng.
Hội viên phụ nữ xã Ea Kao tham quan, học tập mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ thôn Cao Thắng.

Học và làm theo Bác trong thực hành tiết kiệm, Chi hội phụ nữ thôn Cao Thắng đã phát động 320 hội viên đóng góp Quỹ Phụ nữ tiết kiệm. Theo chị Nguyễn Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Cao Thắng, một người thì không thể giúp được nên huy động nhiều người cùng chung tay theo tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Lúc còn khó khăn, mỗi hội viên góp 20.000 đồng/năm, khi kinh tế khá hơn thì nâng lên 50.000 đồng rồi 100.000 đồng/năm. Đến nay chi hội đã huy động được 356 triệu đồng, giúp 69 hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế.

Được Chi hội phụ nữ thôn Cao Thắng cho vay 2 lần với tổng số tiền 11 triệu đồng từ Quỹ Phụ nữ tiết kiệm, chị Bùi Thị Trúc Giang xúc động: “Được chị em giúp vốn, gia đình đã phát triển thêm chăn nuôi heo, tích lũy để đầu tư chăm sóc 7 sào cà phê và 5 sào hoa màu nên cũng có đồng ra đồng vào. Số tiền được vay tuy không nhiều nhưng đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bởi đó là tình cảm, sự sẻ chia, giúp đỡ của chị em hội viên”.

Không chỉ tại Chi hội phụ nữ thôn Cao Thắng mà nhờ cách làm thiết thực, phù hợp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, hội viên phụ nữ xã Ea Kao đã phát huy nội lực, tiết kiệm chi tiêu một cách hợp lý để phát triển kinh tế gia đình và chia sẻ nguồn lực giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

 Được vay vốn  từ Quỹ Phụ nữ  tiết kiệm  của Chi hội  Phụ nữ thôn  Cao Thắng,  chị Bùi Thị Trúc Giang có thêm  điều kiện  phát triển  kinh tế  gia đình.
Được vay vốn từ Quỹ Phụ nữ tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ thôn Cao Thắng, chị Bùi Thị Trúc Giang có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Bà Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao cho biết, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN xã đã vận động cán bộ, hội viên xây dựng 77 tổ phụ nữ tiết kiệm với tổng số quỹ gần 1,6 tỷ đồng, cho 242 hội viên vay; xây dựng 37 tổ với 444 thành viên đóng góp Quỹ hùn vốn xoay vòng với số tiền gần 1 tỷ đồng cho chị em khó khăn vay phát triển kinh tế; Quỹ Vì phụ nữ nghèo được trên 54,4 triệu đồng giúp cho 6 chị vay.

Các chi hội phụ nữ buôn đồng bào dân tộc thiểu số như: buôn Bông, Tơng Jú, H’Đớk… đã duy trì hũ gạo tiết kiệm, thu được 3.243 kg gạo và 5 triệu đồng heo đất tiết kiệm giúp các hội viên gặp khó khăn đột xuất.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 11 tổ vay vốn với tổng dư nợ gần 7 tỷ đồng; phối hợp tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho hội viên, con em phụ nữ; giới thiệu việc làm ổn định cho 40 hội viên…

Không chỉ giúp nhau vượt khó, Hội LHPN xã Ea Kao còn vận động chị em tích cực tham gia các phong trào hoạt động của hội và địa phương như: đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giúp nhau khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thăm, tặng quà động viên tân binh trước khi lên đường nhập ngũ, thu gom rác thải nhựa; vận động hội viên dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa tại 14 con đường tự quản, mắc điện chiếu sáng tại 3/5 tuyến đường kiểu mẫu góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.