Multimedia Đọc Báo in

Sẻ chia với người nghèo

09:38, 04/12/2019

Cùng với các thành viên khác trong trong tổ chức Mặt trận, trong năm 2019, Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc tích cực, chủ động tìm kiếm, vận động các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí, triển khai hoạt động nhân đạo, từ thiện, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 

Mới đây nhất, ngày 29-11, nằm trong chương trình “Áo ấm mùa đông Tây Nguyên”, Hội Chữ thập đỏ huyện đã phối hợp với Nhóm thiện nguyện TP. Buôn Ma Thuột thăm, trao hơn 253 phần quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng), mỗi phần quà gồm một chiếc áo ấm mới, một đôi dép và bánh kẹo trị giá 120.000 đồng. Những phần quà ý nghĩa, ấm áp tình người, được trao tặng đúng vào dịp tiết trời lập đông se lạnh đã mang niềm vui đến với các em.

Trước đó, ngày 23-11, cũng tại xã Ea Yiêng, Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc cùng Đoàn từ thiện chùa Phước Tường (Quận 9, TP. Hồ Chí Minh) trao 500 phần quà cho những hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 300 phần quà dành cho hộ nghèo, gồm lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm cùng 50.000 đồng tiền mặt; 200 phần quà cho học sinh (một chiếc cặp, 10 quyển vở và 50.000 đồng tiền mặt), mỗi phần là 250.000 đồng. Tổng trị giá các phần quà là 140 triệu đồng do các phật tử chùa Phước Tường, các mạnh thường quân TP. Hồ Chí Minh đóng góp, với mong muốn góp phần san sẻ, động viên các hộ nghèo, học sinh nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Hội Chữ thập đỏ huyện và Nhóm thiện nguyện TP. Buôn Ma Thuột trao quà tặng học sinh nghèo tại Trường Tiểu học Đinh Núp.
Hội Chữ thập đỏ huyện và Nhóm thiện nguyện TP. Buôn Ma Thuột trao quà tặng học sinh nghèo tại Trường Tiểu học Đinh Núp.
Năm 2019, kinh phí nhà nước cấp để triển khai các hoạt động nhân đạo từ thiện của huyện Krông Pắc là 767 triệu đồng, trong khi đó kinh phí Hội Chữ thập đỏ huyện huy động được lên đến gần 10 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc Trần Thị Thành cho biết: “Thực hiện chương trình công tác Hội, trong đó có nội dung vận động kêu gọi cứu trợ nhân đạo, từ thiện, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tranh thủ các mối quan hệ, tìm kiếm, vận động những tổ chức, cá nhân hảo tâm, tài trợ kinh phí để chăm lo tốt nhất cho người nghèo”. Hội kết nối với rất nhiều tổ chức từ thiện, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… thông tin về điều kiện kinh tế tại địa phương, nhất là các xã đặc biệt khó khăn như Ea Yiêng, Ea Hiu, Vụ Bổn để họ về tận nơi khảo sát thực tế, đưa ra hình thức hỗ trợ phù hợp.

Đối với các đoàn từ thiện không có điều kiện đi tiền trạm, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo có xác nhận của chính quyền địa phương, trên cơ sở danh sách đó các đoàn sẽ về trao trực tiếp cho hộ được thụ hưởng, theo đúng đối tượng, trong khi Hội Chữ thập đỏ đảm nhận vai trò “cầu nối”, đứng ra làm công tác tổ chức tại các buổi cứu trợ.

Người dân xã Ea Yiêng đến nhận quà của Đoàn từ thiện chùa Phước Tường (Quận 9, TP. Hồ Chí Minh).
Người dân xã Ea Yiêng đến nhận quà của Đoàn từ thiện chùa Phước Tường (Quận 9, TP. Hồ Chí Minh).

Cách làm minh bạch, rõ ràng, công khai, đúng đối tượng của Hội Chữ thập đỏ huyện đã gây dựng được lòng tin của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để từ đó huyện Krông Pắc có thêm nguồn cứu trợ, giúp các hộ nghèo. Kết quả từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động và tiếp nhận 84 đoàn từ thiện trong và ngoài tỉnh về thăm, tặng 13.974 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao 283 suất học bổng, 147 xe đạp cho các em học sinh nghèo với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Đây là một con số hết sức ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương còn khá eo hẹp.

Song song với việc tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc đã tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức hội, qua đó phát huy nội lực, làm tốt hơn nữa các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Với 14.628 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại 27 cơ sở hội, Hội Chữ thập đỏ huyện hướng dẫn các cơ sở hội xây dựng nhiều mô hình nhân đạo, từ thiện phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương. Trên tinh thần sẻ chia, truyền thống “tương thân tương ái”, trách nhiệm với những mảnh đời không may mắn xung quanh, các tổ chức hội trực thuộc đã vận động xây dựng nhà Tình thương tặng các hộ nghèo, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức cứu trợ thiên tai cho các gia đình bị hỏa hoạn, đuối nước với tổng kinh phí thực hiện gần 4 tỷ đồng.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.