Huyện Krông Bông: Dai dẳng tình trạng sinh con tại nhà
Mặc dù chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể đã thực nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng sinh con tại nhà của một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn còn dai dẳng và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Nỗi đau khôn nguôi
Đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng nỗi đau vì sự ra đi của đứa con gái mới tròn 2 tháng tuổi của gia đình chị Sùng Thị Dua (thôn Ea Lang, xã Cư Pui) vẫn còn day dứt khôn nguôi. Chị Dua cho biết, mẹ chị sinh mấy đứa con đều sinh tại nhà nên giờ đến lượt chị sinh đứa con đầu lòng cũng vậy. Không ngờ khi cháu ra đời được mấy hôm thì yếu ớt, đau bệnh, khóc đêm ngày, gia đình đưa cháu đến cơ sở y tế mới biết là cháu bị nhiễm uốn ván sau sinh nặng và qua đời vì khi sinh tại nhà các dụng cụ cắt dây rốn không bảo đảm vệ sinh.
Mới đây, bệnh nhân Sính Văn Anh (sinh ngày 4-11-2019, thôn Ea Uôl, xã Cư Pui) cũng phải nhập viện do nhiễm trùng uốn ván sau sinh. Mẹ của cháu là Sính Thị Pà (SN 2004), năm nay mới tròn 15 tuổi đã sinh đứa con đầu lòng. Theo chị Pà, việc chị sinh con tại nhà do tập tục của người Hmông trước giờ như vậy. Sau khi sinh con được một tuần thì thấy cháu có biểu hiện sốt, bỏ bú, vàng da, vàng mắt nên gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Bông. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cháu bị uốn ván sau sinh nên cho chuyển viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Nhiều trẻ em ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui được sinh tại nhà. Ảnh: K.Lê |
Tình trạng sinh con tại nhà không chỉ diễn ra ở các thôn, buôn có nhiều đồng bào Hmông sinh sống mà rải rác ở khắp các buôn đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện.
Theo các chuyên gia y tế, việc tự sinh con tại nhà thực sự là vấn đề đáng lo ngại bởi nếu không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh rất có thể dẫn đến những nguy cơ tai biến như: băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh…
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền
Thời gian qua, nhân viên y tế từ huyện đến thôn, buôn và cộng tác viên dân số đã rất tích cực tuyên truyền, giúp phát hiện sớm những trường hợp có thai, tư vấn, vận động hoặc mời các sản phụ đến các điểm khám thai và đến cơ sở y tế để sinh con. Đồng thời, ngành Y tế cũng đã chuẩn bị dụng cụ, gói đẻ sạch, thuốc men cần thiết cho các Trạm Y tế tuyến xã… nhưng thực trạng sinh con tại nhà trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có 78 ca sinh con tại nhà, trong đó có 1 ca tử vong và 1 ca nhiễm trùng uốn ván đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Số ca sinh con tại nhà chủ yếu tập trung ở các thôn, buôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ xã Yang Reh tuyên truyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn về phương pháp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. |
Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho hay, Krông Bông là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiếu số chiếm đến 31%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 33%, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Hmông còn quan niệm việc sinh nở không nên có sự tham gia của người ngoài, hầu hết đều do những người thân trong gia đình hoặc “mụ vườn” đỡ.
Nhiều năm nay, mỗi tháng cán bộ của Trung tâm đều phối hợp với Trạm Y tế các xã đến tận nhà người dân tuyên truyền, vận động chị em đang mang thai đến Trạm Y tế đăng ký quản lý thai, khám định kỳ, tiêm phòng uốn ván và khuyến cáo về những mối nguy hiểm có thể gặp phải khi sinh con tại nhà, vận động các gia đình đưa sản phụ đến cơ sở y tế sinh con. Tuy nhiên, ngoài yếu tố phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thì nguyên nhân tình trạng sinh con tại nhà vẫn còn cao là do đường sá đến cơ sở y tế còn khó khăn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo, dù sản phụ có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng nhiều gia đình không đủ chi phí để đưa sản phụ đến các cơ sở y tế sinh nở…
Để nói về mức độ nguy hiểm của việc sinh đẻ, người xưa thường dùng câu “cửa sinh cửa tử”, chính vì vậy để giảm tình trạng tự sinh con tại nhà của nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Krông Bông, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, quan trọng nhất là phải có biện pháp làm thay đổi một cách mạnh mẽ nhận thức của người dân về vấn đề này để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Để chủ động phòng chống và giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ sơ sinh, trong tháng 11 và 12-2019, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông đã triển khai tiêm vét vắc xin phòng uốn ván cho 483 phụ nữ có thai tại các thôn, buôn có tỷ lệ tiêm uốn ván thấp trên địa bàn huyện. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc