Multimedia Đọc Báo in

Mong nhớ Tết quê

07:55, 22/01/2020

Càng đến ngày cận Tết, những người xa quê lại dấy lên cảm xúc khó tả. Trong thâm tâm của mình, dường như ai cũng muốn được về quê đón Tết cùng bố mẹ, để được sống lại những kỷ niệm thân thương ngay trong chính ngôi nhà thân yêu...

Vui mừng khi đặt được vé máy bay giá rẻ cho cả nhà về Hải Phòng đón Tết, chị Lê Nhật Quyên (ở Tổ dân phố 4, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, nhưng lấy chồng quê ở Hải Phòng, rồi hai vợ chồng vào Đắk Lắk lập nghiệp đến nay cũng đã hơn 10 năm. Công việc bận rộn, con cái còn nhỏ nên mấy năm nay chị chưa có dịp về quê đón Tết.

Chị Quyên tâm sự: “Ở trong này tôi không có họ hàng thân thích. Hàng xóm chủ yếu người ngoài Bắc vào nên Tết nào xóm tôi cũng vắng hoe vì các gia đình rủ nhau về quê ăn Tết hết. Từ đầu năm tôi đã có kế hoạch dành dụm một khoản tiền để làm lộ phí, bởi với người xa quê như chúng tôi, được sum vầy bên người thân là điều vô cùng quý giá, nhất là khi bố mẹ còn mạnh khỏe…”.

Các con của chị Nguyễn Thị Ngọc Linh được trải nghiệm gói bánh chưng khi về Việt Nam đón Tết. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Các con của chị Nguyễn Thị Ngọc Linh được trải nghiệm gói bánh chưng khi về Việt Nam đón Tết. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tất bật với những chuyến hàng cuối năm, chị Nguyễn Thị Nhớ bán trái cây ở chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) ngậm ngùi mỗi khi nhắc đến việc về quê đón Tết. Lấy chồng xa quê hương đến nay đã 20 năm, chị chỉ về quê đón Tết cùng bố mẹ được 2 lần. Chị Nhớ tâm sự: “Tết ở quê rất vui, rất ấm áp, đúng nghĩa là Tết sum vầy, đoàn viên. Nhưng đã lâu lắm rồi tôi chưa có dịp về quê đón Tết, được sống lại không khí Tết của Huế. Đối với tôi đó là niềm mong mỏi nhiều năm qua, nhưng bởi lo toan mưu sinh nên những cái Tết được ở cùng bố mẹ cứ xa dần”.

Cũng như gia đình chị Quyên, chị Nhớ, với những người xa quê thì có lẽ không ở đâu thay thế được không khí ngày Tết tại chính gia đình nơi mình sinh ra và lớn lên. Vì chỉ khi đi xa mới biết thế nào là nhớ nhà, nhớ niềm vui ngày giáp Tết, các chị, các bà quây quanh giếng đãi gạo, đỗ, cọ lá dong, gói bánh chưng, chuyện trò không dứt. Nhớ những bữa cơm tất niên, điều mà trước đây đối với tuổi thơ của nhiều người vốn rất đỗi bình thường, nhưng khi xa quê lại trở nên thiêng liêng đến lạ!

Các thế hệ trong gia đình chị Nhật Quyên sum vầy đầu năm mới. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Các thế hệ trong gia đình chị Nhật Quyên sum vầy đầu năm mới. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đó cũng là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, người dân phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột (hiện đang sinh sống tại Malaysia). Chị Linh cho hay: “Dù không được về quê ăn Tết cùng gia đình, nhưng ở bên này chúng tôi cũng sửa soạn đầy đủ lễ vật để đón Tết. Cũng có hoa đào, hoa mai, có đầy đủ các món ăn truyền thống ngày Tết của người dân xứ Nghệ... Thế nhưng nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nhớ giây phút giao thừa sum vầy bên nhau vẫn không thể khỏa lấp được”.

Tết là khoảng thời gian thiêng liêng, nhất là đối với những người đi xa được về trở quê hương. Chẳng thế mà ngay từ đầu tháng Chạp, khắp làng trên xóm dưới đã xôn xao hỏi han, rằng con nhà nọ, cháu nhà kia có về Tết không? Nhắc đến Tết, trong lòng mỗi người xa xứ đã chộn rộn những mong ngóng, đợi chờ, nao nức... 

Thúy An
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.