Ngày Xuân kể chuyện chăm hoa đào
Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua tổ dân phố Tân Hà 3 (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) có khí hậu tương đối mát mẻ nên cây đào đã được người dân di thực đến và gây trồng. Nhìn từ trên cao xuống, làng đào Tân Hà 3 như một đảo hoa với sự góp mặt của hàng nghìn cây đào đủ thế, dáng vẻ đang đâm nụ, nở hoa.
Là hộ đầu tiên đem cây đào từ tỉnh Ninh Bình vào trồng trên đất Đắk Lắk từ năm 2006, chị Vũ Thị Hằng nói: “Để có được làng đào Tân Hà 3 như hôm nay đã phải trải qua bao phen thăng trầm. Khác với các loại cây trồng khác, ngoài đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, cây đào còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết”. Chăm đào là công việc quanh năm, gần như không có lúc nào nghỉ ngơi.
Vụ đào mới thường bắt đầu vào cuối tháng giêng âm lịch, khi đất trồng đã được cải tạo và nghỉ 2 - 3 tuần sau vụ thu hoạch trước đó. Từ tháng tư đến tháng tám, cây đào phát triển ổn định, người trồng tiến hành tỉa bớt cành, nhánh xấu ở gốc để nuôi cành trên, tạo thế, dáng cho cây. Cuối tháng mười sẽ lặt hết lá cho cây ra hoa và lộc non. Quá trình chăm sóc đào đòi hỏi sự tỉ mỉ, các động tác hết sức nhẹ nhàng để không làm gãy cành, xước thân hay rụng mắt hoa.
13 năm gắn bó với nghề trồng đào, hiện nay vườn đào nhà chị Hằng có các loại: đào phai, đào bích, đào tuyết… Đặc biệt hai năm nay, chị Hằng đã ghép thành công những cây hoa đào có 3 - 4 màu sắc. Với 3.000 gốc đào, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mỗi năm mà còn giúp chị Hằng hiện thực ước mơ mang loài cây quê hương vào nơi “đất khách” để vơi nỗi nhớ nhà những ngày Tết xa quê.
Chị Vũ Thị Hằng (thị xã Buôn Hồ) chăm sóc vườn đào. |
Cùng với hoa mai, cúc, vạn thọ, quất…, hoa đào - biểu tượng của mùa xuân đất Bắc đã đem đến không khí mùa xuân rộn ràng của chốn kinh kỳ cho mảnh đất nắng gió Tây Nguyên. Chị Lã Thị Hồng nhớ lại thời điểm 10 năm trước, khi chị và một số hộ dân ở tổ dân phố Tân Hà 3 mạnh dạn chuyển đổi gần hết diện tích đất nông nghiệp sang trồng đào. Những năm tháng đầu tiên, tưởng chừng không trụ nổi với cây đào bởi một phần vì thời tiết khác biệt, phần khác do thiếu kinh nghiệm.
Vượt qua những gian khó, các nghệ nhân trồng hoa ở tổ dân phố Tân Hà 3 đã “thuần dưỡng” cây đào trên vùng đất mới và gắn bó đến bây giờ. Theo kinh nghiệm của chị Hồng, chăm sóc cây đào không quá vất vả nhưng phải khéo léo, kỳ công, biết “canh” thời tiết để chia giai đoạn uốn tỉa, chăm sóc. “Người trồng đào phải tính toán được thời điểm lặt lá tùy theo thời tiết của từng năm. Sau đó phải theo dõi thường xuyên để có những biện pháp hãm phù hợp không cho đào ra hoa sớm hoặc kích thích ra hoa đúng dịp Tết. Hoa đào nếu nở trước hoặc sau Tết 10 - 15 ngày là coi như trắng tay”, chị Hồng chia sẻ kinh nghiệm. Vụ hoa đào năm nay, ngoài những giống đào truyền thống như: đào phai, đào bích, đào son, chị Hồng còn trồng thử nghiệm 50 gốc đào thất thốn - một giống đào cổ, hiếm, với những gốc mắt to xù xì và đóa hoa bật sắc.
Hoa đào ở thị xã Buôn Hồ được người dân lấy giống từ làng đào Nhật Tân (Hà Nội) về trồng từ hơn 10 năm nay. |
Làng đào Tân Hà 3 có 10 hộ trồng đào, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 cây đào, với giá bán dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/gốc đối với đào một năm tuổi. Còn những gốc đào lâu năm, quý, dáng đẹp có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Vào tháng chạp hằng năm, các vườn tấp nập chủ buôn, khách hàng từ khắp nơi tìm đến đặt mua, sau khi khách hàng chọn được cây ưng ý, nhà vườn cho người cắt rễ, bọc cẩn thận để dễ dàng vận chuyển. Không chỉ bán, các nhà vườn ở đây còn cho thuê đào chơi Tết, sau Tết khách mang đến trả lại. Còn đối với những cây đào đã bán, sau Tết nếu người mua không có điều kiện chăm sóc có thể gửi cho nhà vườn chăm để đến Tết năm sau đến mang về, công chăm sóc dao động từ 1-2 triệu đồng/gốc/năm.
Người dân ở tổ dân phố Tân Hà 3 đã tận dụng được lợi thế, tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phát triển nghề trồng đào nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác; đồng thời góp thêm một chút sắc màu cho mùa Xuân thêm tươi.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc