Multimedia Đọc Báo in

Xin được... thoát nghèo

08:26, 02/01/2020

UBND xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) vừa quyết định tặng Giấy khen cho 4 gia đình trên địa bàn xã chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường cho người khác. Đó là các gia đình: ông Nông Văn Ngãi (dân tộc Tày, ở thôn 13), ông Nguyễn Văn Hùng (ở thôn 2), bà Mai Thị Thủy (ở thôn 10) và ông Nguyễn Văn Khánh (ở thôn  6).

Đây là sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương với ý chí vươn lên và tinh thần sẵn sàng sẻ chia của các hộ dân ở một xã biên giới mà tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các gia đình xin thoát nghèo đợt này vẫn còn rất khó khăn, nhà ở chưa thật sự đàng hoàng, đồ dùng sinh hoạt còn thiếu thốn. Song họ đều có chung suy nghĩ: mình vẫn còn sức lao động, vẫn có cơ sở để vươn lên nên nhường sự hỗ trợ cho những người khác khó khăn hơn.

Như ông Nguyễn Văn Khánh tâm sự: “Qua báo, đài, tôi thấy cụ già 83 tuổi ở Thanh Hóa, hay hai cụ đã 90 tuổi ở Hà Tĩnh đều xin ra khỏi hộ nghèo; trong khi đó, mình tuổi chưa cao, vẫn còn sức lao động, đất đai lại rộng thì vẫn khá hơn nhiều người, sao lại cam chịu diện nghèo?”. Được biết, gia đình ông Khánh từ Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) đến xã Ia R’vê lập nghiệp theo Dự án Kinh tế Quốc phòng năm 2004. Từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình ông có gần 1 ha bưởi đã cho thu hoạch, 1 ha điều, đàn dê gần 10 con, chưa kể đến đàn gà và các loại gia cầm khác. Còn bà Mai Thị Thủy (58 tuổi) lại có hoàn cảnh khác biệt hơn.

Ông Nguyễn Văn Khánh, một trong 4 gia đình xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Khánh, một trong 4 gia đình xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Từ quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), bà lên Đắk Lắk sinh sống bằng nghề làm thuê làm mướn từ năm 2011. Sau nhiều năm tích góp, tháng 5-2019 bà mở quán bán điểm tâm sáng; thêm vào đó, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội bà kinh doanh thêm dịch vụ bi da. Hiện nay mỗi ngày bà có thu nhập khoảng 100.000 đồng; chưa kể còn có 2 ha đất đã xuống giống 200 cây mít, thêm 200 cây xoài và điều, lại nuôi thêm 100 con gà, vịt. Bà bảo nay mình có nguồn thu nhập ổn định rồi, xin rút ra khỏi diện hộ nghèo để chia sẻ với những người khó khăn hơn mình.

Cùng chung suy nghĩ, ông Nông Văn Ngãi cho biết: “Trước đây, con còn nhỏ kinh tế khó khăn, nhà tôi nghèo triền miên. Nay các con đã lớn, có gia đình, biết chăm chỉ làm ăn, mình chưa giàu nhưng đã hết nghèo nên nhường suất nghèo cho người khác để họ có điều kiện vươn lên”. Hiện nay vợ chồng ông Ngãi vẫn sống trong ngôi nhà xây từ nhiều năm nay nhưng chưa trát vữa, vẫn để gạch thô. Ông Ngãi cho biết thêm, hiện ông có 2 ha đất vừa trồng sắn và mía, mỗi năm thu nhập chừng 18 - 20 triệu đồng nên “vậy là ổn rồi”.

Ông Nông Văn Ngãi trước ngôi nhà của mình.
Ông Nông Văn Ngãi trước ngôi nhà của mình.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê Trần Lệ Thủy, thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn, chủ động, chăm chỉ làm ăn; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn, sự hỗ trợ về vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, xã có 14 thôn,  2.055 hộ,  6.009 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo từ 59,71% cuối năm 2018 đến nay đã giảm xuống còn  50,51%.

Phan Ba


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.