Cho trẻ những trải nghiệm bổ ích trong kỳ nghỉ phòng dịch
Nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19, trẻ em sẽ rất dễ sinh hoạt thiếu điều độ, sa đà vào việc xem ti vi, điện thoại. Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh đã tận dụng khoảng thời gian này để rèn cho trẻ những thói quen tốt và khả năng sáng tạo.
Những trải nghiệm bổ ích
Chị Mora Niê Hđớk (buôn Mduk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, chị có hai con nhỏ 7 và 12 tuổi. Đợt nghỉ dịch Covid-19 khá lâu, các con chị quanh quẩn trong nhà chơi game, xem điện thoại mãi cũng chán nên chị đã chủ động lên kế hoạch cụ thể, hướng dẫn con sinh hoạt lành mạnh tại nhà.
Hằng ngày, những lúc bố mẹ đi làm, con ở nhà một mình hoặc cùng ông bà thì ngoài việc ôn tập bài vở sẽ phải tập làm những việc như nấu ăn đơn giản, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí là sáng tạo ra những trò chơi bổ ích, thú vị. Khi thu xếp được thời gian ở nhà, chị cùng chồng giúp con làm bánh, tổ chức những cuộc thi nhỏ như đố vui có thưởng trong nội bộ gia đình…
Như vậy, các con sẽ cảm thấy mình là người có ích, vừa giúp được bố mẹ, vừa có dịp sáng tạo trong khuôn khổ cho phép. Con chị rất vui vì được thỏa sức tập tành làm bánh, nấu ăn theo sở thích, đến nay cháu đã có thể làm thành thạo được vài loại bánh.
Tận dụng thời gian nghỉ học tránh dịch Covid-19, trẻ thỏa sức sáng tạo thông qua các trò chơi. |
Các em nhỏ trong buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) lại dành thời gian được nghỉ để tập văn nghệ. Cứ chiều đến các em lại tập trung ở sân của xóm để cùng nhau rèn luyện, tập nhảy múa rất vui nhộn. Điều này vừa tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, vừa giúp các em có một sân chơi lành mạnh. Với các em là thành viên trong Câu lạc bộ văn hóa dân gian buôn thì đây chính là cơ hội để ôn bài cũ, tập luyện những bài mới, sau này mỗi khi có dịp đi biểu diễn sẽ không mất nhiều thời gian để tập luyện.
Hãy đồng hành cùng con
Trẻ nghỉ học chống dịch là một điều bắt buộc để bảo đảm sự an toàn cho trẻ em cũng như cộng đồng. Nếu suy nghĩ tích cực đây sẽ là dịp cho trẻ được xả stress, học và chơi theo sở thích, có điều kiện thực hành những kiến thức, kỹ năng đơn giản nhưng cần thiết trong cuộc sống khi ở nhà một mình - điều mà trước đây chỉ được học qua sách vở hoặc thông qua các tình huống giả định. Hơn hết, có lẽ đây còn là cơ hội để bố mẹ gần gũi, chia sẻ, tăng thời gian tương tác với các con và gắn kết gia đình, bù đắp lại khoảng thời gian mà nhiều phụ huynh cứ nghĩ rằng không thực hiện được do bố mẹ thì quá bận rộn đi làm, các con thì bận học thêm quá nhiều.
Các em nhỏ buôn Alê A tập múa vào mỗi buổi chiều. |
Bố mẹ có thể chia sẻ với con những điều đơn giản nhất như phân tích cho trẻ hiểu được mối nguy hiểm của bệnh dịch và đặc biệt là cách phòng bệnh hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ đó, trẻ có thể tiếp nhận các thông tin một cách tích cực, không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ. Điều này không chỉ ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp mà có thể ứng dụng dài lâu trong cuộc sống. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên tranh thủ dạy con những kỹ năng, kiến thức còn thiếu hoặc còn yếu như sử dụng các thực phẩm được nấu chín, ăn hoa quả tươi và tích cực vận động để tăng sức đề kháng, chăm sóc bản thân, phụ bố mẹ làm việc nhà, cách sử dụng các thiết bị sinh hoạt, cách phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra trong nhà… Qua đó giúp trẻ có thể tự chơi ở nhà mà vẫn an toàn.
Ngoài vai trò hướng dẫn, chỉ dạy, bố mẹ có thể làm bạn cùng con, để hiểu con nhiều hơn, tùy độ tuổi của con mà có những cách “làm bạn” cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với trẻ mẫu giáo, cha mẹ có thể cùng con tô màu, học bảng chữ cái, phân biệt các con vật, tìm hiểu đồ dùng gia đình, kể chuyện; đối với trẻ tiểu học, giải thích cho con những vấn đề trong cuộc sống mà trẻ còn đang thắc mắc; với những trẻ ở vị tuổi thành niên thì có thể lắng nghe tâm sự của con về chuyện bạn bè, trường lớp, hay sự nhạy cảm ở tuổi dậy thì…
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc