Multimedia Đọc Báo in

Hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng già bị chất độc da cam

08:27, 25/03/2020

Già yếu, bệnh tật, không có người thân chăm sóc, cuộc sống của vợ chồng ông Trần Mạnh Quyền (71 tuổi) và bà Trương Thị Tích (66 tuổi), trú thôn 3, xã Cư Mta (huyện M'Đrắk) chỉ cầm cự qua ngày với số tiền trợ cấp tàn tật ít ỏi của bà Tích.

Năm 1976, sau khi xuất ngũ trở về quê hương Thạch Hà (Hà Tĩnh), ông Quyền kết hôn với bà Tích vốn cũng là dân công hỏa tuyến. Do di chứng chất độc da cam để lại sau chiến tranh, vợ chồng ông Quyền không thể có con. Khát khao được làm cha mẹ, năm 1982, vợ chồng ông nhận nuôi một cậu bé mồ côi, làm ăn ở quê nhà.

Năm 1989, sau khi cơn bão số 9 kinh hoàng đi qua Hà Tĩnh, vợ chồng ông Quyền mất hết nhà cửa, phải rời quê hương vào thôn 3, xã Cư Mta (huyện M’Đrắk) sinh sống, lập nghiệp. Tuổi cao, ốm đau bệnh tật liên miên nên nghèo khổ cứ đeo bám gia đình ông mãi. Chia sẻ với những khó khăn của vợ chồng ông Quyền, năm 2004 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng chính quyền địa phương và anh em họ hàng hỗ trợ xây cho gia đình ông một căn nhà. Đây cũng là tài sản quý giá duy nhất của vợ chồng ông nhưng trải qua nhiều năm, đến nay ngôi nhà đã bị hư hỏng xuống cấp.

Những lúc sức khỏe cho phép, vợ chồng ông Quyền vẫn phải dìu nhau ra vườn trồng rau  để kiếm thêm thu nhập.
Những lúc sức khỏe cho phép, vợ chồng ông Quyền vẫn phải dìu nhau ra vườn trồng rau để kiếm thêm thu nhập.

Sau nhiều năm lao lực, vất vả mưu sinh, hiện bà Tích đã bị hỏng và phải cắt bỏ một quả thận; nửa phần người dưới của bà cũng bị tê liệt do di chứng sau khi trải qua nhiều lần phẫu thuật cột sống và thoát vị đĩa đệm, đi lại vô cũng khó khăn. Toàn thân ông Quyền bị bong tróc, đau rát do di chứng của chất độc da cam. Hơn 2 năm nay, mỗi ngày ông Quyền chỉ ăn được một gói ngũ cốc để duy trì sự sống nhưng hằng ngày ông vẫn gắng gượng dìu người vợ ra vườn trồng rau, chăm gà bán lấy tiền kiếm sống. Người con trai nuôi có hoàn cảnh cũng rất khó khăn, phải bươn chải vất vả để nuôi vợ con và chỉ hỗ trợ được một phần kinh phí chữa bệnh cho mẹ trong những năm qua.

Giờ đây, khi tuổi ngày càng cao, vợ chồng ông Quyền đang chịu nỗi đau bệnh tật hành hạ hằng ngày mà không có tiền chữa trị, mọi giấy tờ tùy thân liên quan đến thời kỳ tham gia quân ngũ của ông Quyền đã bị nước lũ cuốn trôi ở quê nhà nên rất khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng chế độ chính sách. Mọi chi tiêu trong nhà chỉ trông vào số tiền trợ cấp dành cho người tàn tật hơn 500.000 đồng/tháng của bà Tích và sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng.

Hoàn cảnh khó khăn của cặp vợ chồng già ông Quyền, bà Tích rất cần sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của những tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: ông Trần Mạnh Quyền và bà Trương Thị Tích, ở thôn 3, xã Cư Mta (huyện M'Đrắk), điện thoại: 036.2928423.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.