Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ hơn 60 năm gắn bó với nghề dệt

08:43, 25/03/2020
Đến nay, ở tuổi gần 80, bà H’Uôi Niê (tên thường gọi Amí Luynh) ở buôn Hằng Năm, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.
 
Gần 5 năm nay, bà mắc bệnh không thể đi lại được, phải ngồi xe lăn nên đành rời xa khung dệt. Trong lòng người nghệ nhân già vẫn đau đáu nỗi lo lắng mai này nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông ở vùng sâu Krông Bông có nguy cơ bị mai một.

Amí Luynh tự mình dệt được tấm vải thổ cẩm đầu tiên để may áo, váy khi mới hơn 10 tuổi. Lúc đó trong các buôn làng đa số phụ nữ đều biết dệt. Amí Luynh nhớ lại, trước đây người trong các buôn chủ yếu mặc trang phục truyền thống; áo, váy ít khi phải mua mà chủ yếu do phụ nữ trong nhà dệt vải rồi tự khâu may. Sợi dệt cũng do người dân trong buôn tự trồng bông, xe sợi, nhuộm màu bằng các loại lá cây rừng. Mỗi khi thấy mẹ và các bà ngồi dệt, Amí Luynh lại chú ý quan sát để học và rồi mê dệt thổ cẩm từ đó.

Mặc dù phải ngồi xe lăn nhưng Amí Luynh vẫn ngày ngày cùng con gái cần mẫn bên khung dệt.
Mặc dù phải ngồi xe lăn nhưng Amí Luynh vẫn ngày ngày cùng con gái cần mẫn bên khung dệt.

Do có nhiều sáng tạo trong cách tạo đường nét, hoa văn tinh xảo và cách chọn màu, phối màu tinh tế nên Amí Luynh là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm M’nông có tiếng ở xã vùng sâu Yang Mao. Những chiếc mền, váy, áo, khăn của Amí Luynh dệt ra rất đẹp, được nhiều người ưa thích. Những sản phẩm dệt ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu may áo, váy của người trong gia đình. Sau này thỉnh thoảng cũng có người trong buôn đến đặt bà dệt may cho những chiếc mền, khăn, áo và trả công bằng mấy gùi lúa, vài con gà hoặc ít tiền.

Amí Luynh có 4 người con gái nhưng chỉ duy nhất cô con gái thứ ba là chị H’Rách Niê (Amí Lê A) theo nghề dệt thổ cẩm của mẹ. Bà cũng có hàng chục đứa cháu gái nhưng hiện không có ai học nghề dệt. Amí Luynh lo lắng chia sẻ: “Trước đây xã Yang Mao cũng đã mở vài lớp dệt thổ cẩm nhưng giờ chẳng có ai duy trì được. Quanh đây cũng có vài người còn giữ khung dệt nhưng thỉnh thoảng họ mới đem ra dệt. Cứ đà này thì không bao lâu nữa, trong các buôn làng ở xã Yang Mao rồi sẽ chẳng còn phụ nữ M’nông nào còn biết dệt thổ cẩm truyền thống nữa”.

Dù thu nhập từ nghề dệt chẳng là bao nhưng chị H'Rách Niê vẫn kiên trì giữ nghề.
Dù thu nhập từ nghề dệt chẳng là bao nhưng chị H'Rách Niê vẫn kiên trì giữ nghề.

Gần 5 năm nay Amí Luynh bị liệt hai chân, không còn ngồi dệt được nữa, bà đành chuyển sang đan mũ len, áo len hay túi xách len để tặng con cháu trong gia đình. Hằng ngày bà vẫn ngồi xe lăn sang nhà chị H’Rách để động viên, hướng dẫn con gái dệt những tấm vải thổ cẩm với những hoa văn sắc sảo, mới lạ, độ khó cao. Tuy thu nhập từ nghề này không được là bao nhưng chị H’Rách vẫn hằng ngày kiên trì ngồi dệt. Chị H’Rách tâm sự: “Mỗi ngày dệt, sau trừ chi phí mình cũng chỉ lãi được mấy chục nghìn đồng, không đủ trang trải cuộc sống. Song vừa dệt, vừa ở nhà giữ cháu và vừa buôn bán thêm thì cũng tạm đủ. Hơn nữa do đam mê nghề dệt từ nhỏ nên dù khó khăn mình vẫn cố theo nghề. Mình cũng động viên con gái lớn trong nhà theo học nghề này nhưng nó lại không thích”.

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.