Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng của cô sinh viên tình nguyện hiến tạng

14:31, 27/03/2020

Với mong muốn sẽ để lại cho đời những điều ý nghĩa dù một ngày nào đó bản thân không còn tồn tại nữa, vừa bước chân vào năm nhất Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, cô sinh viên Trịnh Thị Kiều Trang đã không ngần ngại đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo sau khi qua đời.

Kiều Trang (sinh năm 2000) là con gái đầu trong một gia đình có 4 anh chị em ở thôn 8, xã Cư Kty, huyện Krông Bông. Ba mẹ em đều là nông dân, kinh tế thuộc diện trung bình nhưng vẫn luôn động viên và thôi thúc con đường học vấn của các con. Ý thức được tầm quan trọng của việc học và những kỳ vọng mà ba mẹ đã dành cho mình, từ nhỏ Kiều Trang luôn là một cô bé chăm chỉ, ngoan ngoãn và nghe lời ba mẹ.

Trong suốt chặng đường học phổ thông, Trang luôn là một học sinh khá, giỏi và năng nổ trong các hoạt động của nhà trường. Những năm cấp 3, khi xem các chương trình và đọc một số bài viết về những người đã hiến tạng của mình sau khi không may qua đời để cứu nhiều người khác trên truyền hình, báo chí, Kiều Trang đã ấp ủ ý nghĩ sẽ đăng ký hiến tạng phục vụ y học khi đủ 18 tuổi. Quyết tâm theo đuổi ý nghĩ đó, tháng 9-2018, Trang thi đỗ vào Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng thì tháng 4-2019, em đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não.

Trịnh Thị Kiều Trang (bên phải, hàng thứ 2) tham gia chương trình Tình nguyện mùa đông năm 2019 - 2020  tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Trịnh Thị Kiều Trang (bên phải, hàng thứ 2) tham gia chương trình Tình nguyện mùa đông năm 2019 - 2020 tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Chia sẻ về nghĩa cử của mình, cô sinh viên nhỏ nhắn cho rằng đó chỉ đơn giản là do em muốn giúp những mảnh đời không may mắn tìm được cơ hội sống sau khi em qua đời.

Cũng theo những gì Trang tìm hiểu thì hiện nay ở Việt Nam có hàng nghìn người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng, nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì người hiến rất khan hiếm. Ghép tạng (thận, gan, tim...) là một trong những thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong việc chữa trị đối với những người bị bệnh hiểm nghèo. Rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến, tặng thích hợp. Mỗi ngày trôi đi, có biết bao bệnh nhân đang giành giật từng giây, từng phút được sống để chờ đợi người hiến tạng phù hợp. Có những người chờ đợi trong mỏi mòn và rồi họ chết đi khi không tìm được nguồn tạng hiến. Trong khi đó, mỗi một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống cùng lúc cho 8 - 10 người.

Từ khi cầm trên tay tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Kiều Trang hiểu, mình đã quyết định đúng. Trang cho rằng, nếu ai cũng có suy nghĩ là sau khi mình chết đi, sự sống của mình sẽ được hồi sinh dù trong một cơ thể khác thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn và sẽ có biết bao bệnh nhân được cứu sống.

Trịnh Thị Kiều Trang luôn chăm chỉ học hành từ cấp phổ thông lên đại học.
Trịnh Thị Kiều Trang luôn chăm chỉ học hành từ cấp phổ thông lên đại học.

Không chỉ đăng ký hiến tạng, với mong muốn giúp người, giúp đời, từ khi mới bước vào năm thứ nhất, Trang đã tham gia Hội hiến máu nhân đạo Đà Nẵng (nay là Câu lạc bộ máu nóng Sống để yêu thương). Dù chưa trải qua đủ 2 năm ở trường đại học nhưng Trang đã 3 lần hiến máu cứu người và em còn mong muốn luôn khỏe mạnh để có thể tiếp tục hiến máu nhiều lần hơn nữa.

Năng nổ trong các hoạt động nhân đạo, xã hội tại trường đại học, khi về tại địa phương, Kiều Trang cũng tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn xã tổ chức. Bí thư Đoàn xã Cư Kty Trần Minh Tâm cho biết, Trang là trường hợp đầu tiên tại xã thực hiện nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng cứu người. Em chính là tấm gương, là người truyền ngọn lửa nhân văn để các tổ chức cơ sở Đoàn tại địa phương kêu gọi những đoàn viên, thanh niên khác. Từ nghĩa cử của Trang mà hiện nay trên địa bàn xã, nhiều thanh niên đã có ý định hiến mô/tạng cứu người sau khi chết/chết não.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.