Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ

08:23, 11/03/2020

Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã chọn phong trào thi đua lao động sáng tạo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giảm nghèo bền vững là nội dung trọng tâm, xuyên suốt. Qua đó, đã khơi dậy nội lực, phát huy vai trò của cán bộ, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của địa phương.

Hội LHPN thị xã Buôn Hồ hiện có trên 16.200 hội viên. Để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, Hội đã chỉ đạo các hội cơ sở khảo sát hội viên nghèo, phân tích nguyên nhân, phân công cho các chi hội, cá nhân giúp đỡ, đồng thời xây dựng nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả như: tín dụng tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng, heo đất… Bên cạnh đó, Hội LHPN thị xã đã vận động thành lập 3 hợp tác xã và 14 tổ hợp tác... nhằm tạo việc làm cho hội viên.

Bà Trịnh Thị Mơ (bìa phải), Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố Tân Bình (phường An Lạc), Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn chia sẻ  kinh nghiệm trồng, chăm sóc nấm.
Bà Trịnh Thị Mơ (bìa phải), Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố Tân Bình (phường An Lạc), Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc nấm.

Để giúp nhau phát triển kinh tế, Chi hội phụ nữ tổ dân phố Tân Bình (phường An Lạc) đã vận động hội viên đóng góp xây dựng 2 mô hình: Thực hành tiết kiệm với số quỹ 22 triệu đồng và Tổ góp vốn xoay vòng được 14 triệu đồng cho hội viên khó khăn vay. Với mong muốn liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất, tạo đầu ra ổn định, năm 2018, chi hội đã vận động chị em thành lập Tổ sản xuất rau an toàn gồm 6 thành viên. Tổ đã xây dựng, thuyết trình dự án sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ vay 90 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư trồng các loại rau, củ, quả, nấm. Đến nay, chi hội chỉ còn 1 hộ hội viên nghèo và 2 hộ hội viên cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Trong 5 năm qua trên địa bàn thị xã đã có 588 hộ phụ nữ thoát nghèo (đạt 326,6% chỉ tiêu), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã từ 7,9% năm 2015 xuống còn 2,72% cuối năm 2019.

Tại phường Bình Tân, được sự vận động, hướng dẫn của Hội phụ nữ phường, năm 2018, bà Nguyễn Thị Loan ở tổ dân phố 6 đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác làm dép đóng gồm 5 thành viên. Tổ hợp tác đã được vay 40 triệu đồng từ vốn vay giải quyết việc làm để mua nguyên liệu sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị Oanh, người làm công ở tổ hợp tác cho biết, Nhờ tổ hợp tác, chị đã có việc làm ổn định với thu nhập trung bình từ  5-6 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn trước.

Cán bộ Hội LHPN phường Bình Tân (giữa) tìm hiểu hoạt động của Tổ hợp tác làm dép đóng  ở Chi hội phụ nữ tổ dân phố 6.
Cán bộ Hội LHPN phường Bình Tân (giữa) tìm hiểu hoạt động của Tổ hợp tác làm dép đóng ở Chi hội phụ nữ tổ dân phố 6.

Qua phát động và triển khai thực hiện phong trào thực hành tiết kiệm, trung bình mỗi năm các cấp hội trên địa bàn thị xã đã huy động được từ 4-6 tỷ đồng, giúp 3.800 hội hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, toàn thị xã đã huy động, trao vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 502 hội viên với tổng số tiền trên 5,8 tỷ đồng. Các cấp hội còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính xách xã hội với tổng dư nợ gần 98 tỷ đồng cho 3.265 hộ vay.

Theo Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ Nguyễn Phan Minh Tiết, bên cạnh các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp hội còn quan tâm đến việc thực hiện quyền lợi của cán bộ, hội viên phụ nữ qua hoạt động giám sát. Từ năm 2017 đến nay, hội đã tổ chức 8 cuộc giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; kiến nghị các cấp ủy Đảng quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ nữ, phát triển đảng viên nữ, thực hiện chính sách đối với phụ nữ, trẻ em theo quy định. Ngoài ra, Hội LHPN thị xã và cơ sở đã tổ chức 19 cuộc đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND cùng cấp với 1.534 hội viên, phụ nữ, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.