Multimedia Đọc Báo in

Hoàn cảnh đáng thương của hai chị em côi cút

08:45, 16/04/2020

Dù vẫn đang sống với gia đình song chị em H'Ưng Niê (học sinh lớp 7A2 Trường THCS Ngô Quyền, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) và H'Rưng Niê (học lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Ea Pốk) cũng như trẻ côi cút.

Mẹ của hai em là bà H’Nguê Niê. Với người chồng đầu, bà H’Nguê sinh được 3 người con trai và H’Ưng là con gái út. Sau khi chồng chết, bà H’Nguê đi bước nữa và sinh thêm bé H’Rưng vào năm 2013. Tai ương bất ngờ và liên tục đổ xuống gia đình nhỏ vốn đã khốn khổ này. Đầu năm 2017, người con trai đầu của bà H’Nguê bất ngờ uống thuốc sâu tự tử; cậu con trai thứ ba đổ bệnh tâm thần suốt ngày cười ngơ ngác. Người chồng sau của bà H’Nguê, bố H’Rưng cũng có dấu hiệu tâm thần nhẹ, rượu chè, quậy phá. Chứng kiến cảnh hai đứa con trai và người chồng như vậy, cuối năm 2017 bà H'Nguê bị trầm cảm nặng và tự tử. Khi H'Rưng mới vừa 3 tuổi, cô chị H'Ưng mới 10 tuổi trở thành trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình, vừa là chị, vừa là mẹ chăm em và lo cơm nước cho hai người đàn ông bệnh tật.

Chị em H'Ưng, H'Rưng và người anh mắc bệnh tâm thần.
Chị em H'Ưng, H'Rưng và người anh mắc bệnh tâm thần.

Căn nhà cấp 4 của H’Ưng và H’Rưng chỉ rộng khoảng 12 m2, trong nhà được ngăn đôi, phần sau đặt một cái giường 1,4 m dành cho hai chị em, phía trước là một chiếc chiếu đen nhẻm, rách nát làm chỗ ngủ của hai người đàn ông. Nhà tắm, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt đều không có. Cô giáo Bùi Thị Hiền (giáo viên Trường THCS Ngô Quyền) là người phát hiện hoàn cảnh của hai chị em, cho biết: Lần đầu các thầy cô giáo đến nhà chỉ thấy có một chiếc xoong nấu cơm chứ không có đồ đạc gì khác. Các thầy cô giáo dọn dẹp, giặt chăn màn, quần áo và góp tiền mua cho các em một chiếc tủ để đựng quần áo, chiếc bàn học, một cái thau nhôm lớn để giặt đồ và vài cái xoong để nấu nướng… Hàng xóm bên cạnh đã từng kéo cả một ống nước dài từ nhà sang để bé H’Ưng không phải vất vả đi xin nước nhưng khi bố lên cơn tâm thần đã dùng dao chặt đứt hết.

Ông Ksơ Sét, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk chia sẻ, hoàn cảnh gia đình bà H’Nguê Niê rất khó khăn, chính quyền địa phương đã nhiều lần hỗ trợ, giúp đỡ. Khi bà H’Nguê chết không có hòm chôn, cán bộ địa phương cũng đã hỗ trợ chôn cất. Ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình 134 từ những năm 2005 - 2006. UBND thị trấn cũng đang giúp các cháu làm sổ hộ khẩu và liên hệ với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hỗ trợ hai chị em H’Ưng, H’Rưng; đồng thời báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết đối với người bố và người anh bị bệnh tâm thần.

Cuộc sống của hai chị em H’Ưng Niê và H’Rưng Niê đang rất chông chênh. Các cháu còn quá nhỏ mà hằng ngày vẫn phải sống với hai người đàn ông đều có dấu hiệu bệnh tâm thần. Rất mong chính quyền địa phương sẽ sớm có giải pháp tốt nhất giúp hai cháu có mái nhà yên ấm và tiếp tục học hành. Cũng mong những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ hai chị em côi cút, đáng thương. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: cô giáo Bùi Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Ngô Quyền, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk; điện thoại: 0948934991. Hoặc Quỹ Tấm lòng vàng, Báo Đắk Lắk, 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Vương Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.