Multimedia Đọc Báo in

Người dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar): Mong mỏi có nguồn nước sinh hoạt ổn định

08:45, 21/04/2020

Mặc dù được Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung và một giếng khoan nhưng nhiều năm qua người dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar) vẫn phải xoay xở để có nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã cho biết, nguyên nhân chính thiếu nước sinh hoạt là do địa hình đa phần đồi núi cao, khan hiếm các mạch nước ngầm. Nhiều hộ dân trong xã đã bỏ ra một khoản tiền lớn để khoan giếng ngầm sâu gần 100 m với mong muốn tìm được nguồn nước để sinh hoạt, nhưng đành ngậm ngùi chấp nhận cảnh giếng cạn trơ đáy.

Người dân buôn Cư Ana Săn, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) sử dụng nước sạch tại công trình nước sinh hoạt tập trung.
Người dân buôn Cư Ana Săn, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) sử dụng nước sạch tại công trình nước sinh hoạt tập trung.

Năm 2016, do ảnh hưởng của El Nino gây hạn hán nặng từ đầu tháng 3, xã Ea Sô được UBND tỉnh đầu tư 400 triệu đồng để khoan 2 giếng nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 50 hộ dân của 2 buôn Ea Púk và Ea Bráh. Tuy nhiên, chỉ mỗi giếng khoan tại buôn Ea Púk được đưa vào sử dụng, vừa đủ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 20 hộ dân. Trong khi đó, công trình tại buôn Ea Bráh đã tiến hành khoan giếng sâu hơn 100 m nhưng không có nước, đơn vị thi công phải khảo sát, tìm kiếm mạch nước ngầm khác. Nhưng việc tìm kiếm mạch nước ngầm như “mò kim đáy bể” dẫn đến quá hạn thời gian đầu tư, do đó nguồn vốn 200 triệu đồng đầu tư cho công trình giếng khoan tại buôn Ea Bráh bị UBND tỉnh thu hồi.

 
“Giếng đào, giếng khoan cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không phù hợp với địa hình đồi núi của xã. Mong mỏi có các công trình nước sạch tập trung ổn định trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là rất cấp bách”.
 
Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Ea Sô

Cũng trong năm 2016, UBND huyện Ea Kar trích 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí chống hạn của huyện để hỗ trợ xã Ea Sô xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. "Có kinh phí, UBND xã Ea Sô tiến hành rà soát, tìm hiểu hệ thống bến nước cũ của người Êđê ở buôn Cư Ana Săn và trích thêm gần 20 triệu đồng vốn đối ứng của địa phương, quyết định xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung tại buôn Cư Ana Săn, gồm các hạng mục: giếng đào có bán kính 5,5 m, sâu hơn 10 m; hệ thống máy bơm; bể chứa 20 m3… phục vụ cho hơn 30 hộ dân. Trung bình mỗi tháng, các hộ sử dụng nước đóng 20 - 30 nghìn đồng/hộ để chi trả tiền điện, bảo dưỡng máy bơm. Đây là công trình nước sạch tập trung ổn định nhất hiện nay của địa phương”, ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã thông tin thêm.

Xã Ea Sô có 1.072 hộ, với 4.300 nhân khẩu, sinh sống ở 10 thôn, buôn. Hiện nay, chỉ 70% số hộ dân trong xã có nước sinh hoạt, còn lại 30% phải dùng giếng chung. Tùy địa hình và điều kiện kinh tế, người dân xã Ea Sô đã sử dụng giếng khoan; lấy nước ở các suối, ở những giếng đào bơm lên bể chứa… để phục vụ sinh hoạt. “Hằng ngày, người dân phải mất rất nhiều thời gian để lấy nước sinh hoạt, vào mùa khô nhà nào cũng phập phồng lo thiếu nước dùng”, anh Lê Văn Hinh, thôn 4 (xã Ea Sô) than thở.

Máy bơm của bình xịt thuốc trừ sâu điện được gia đình anh Lê Văn Hinh (thôn 4, xã Ea Sô) điều chế lại thành máy bơm nước.
Máy bơm của bình xịt thuốc trừ sâu điện được gia đình anh Lê Văn Hinh (thôn 4, xã Ea Sô) độ chế thành máy bơm nước.

 Tuy chỉ mới bước vào cao điểm mùa khô năm 2020, nhưng có đến 30% số giếng khoan trên địa bàn xã đã khô hạn. Trước thực trạng đó, UBND xã đã kiến nghị với UBND huyện Ea Kar xem xét, tạo điều kiện xây dựng các bể nước tập trung, cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân trên địa bàn, có quy mô phù hợp và mang tính liên vùng tương tự công trình nước sinh hoạt tập trung tại buôn Cư Ana Săn.

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.