Multimedia Đọc Báo in

Tươi mới những miền quê

13:45, 28/04/2020

Các xã nông thôn mới đang ngày càng khởi sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, lưu giữ ...

Đầu năm 2020, người dân xã Băng A Drênh (huyện Krông Ana) vui mừng và vinh dự khi xã được đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đổi thay rõ nhất ở vùng quê này có lẽ là những con đường bê tông sạch đẹp, thoáng đãng do nhân dân chung tay xây dựng. Các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ các công trình, vật liệu kiến trúc như tường rào, cổng và đã hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi… Bộ mặt tươi mới và đầy sức sống ở vùng quê này hiện diện không chỉ qua những tuyến đường chính mà còn qua từng đoạn đường làng, ngõ xóm nhỏ. Với sự đóng góp của người dân, nhiều thôn, buôn đã bê tông hóa 100% các tuyến đường từ nhà ra ngõ và đến tận các cánh đồng. Đơn cử như ở thôn 1, sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, được người dân đồng lòng, góp sức xây dựng, đến nay, 100% các tuyến đường trong thôn đều đã được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi cũng như góp phần thúc đẩy giao thương buôn bán.

Người dân xã Cư Suê trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Người dân xã Cư Suê trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Ông Đào Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Băng A Drênh cho biết, đến cuối năm 2019, tỷ lệ đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa đạt 100%; đường trục thôn, buôn và liên thôn, buôn được nhựa hóa và bê tông hóa đạt 71,35% (còn lại cơ bản cứng hóa); đường ngõ, xóm đã bê tông hóa đạt gần 33%, còn lại đều sạch và không lầy lội vào mùa mưa...

Ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar), một trong những đổi thay khá rõ rệt là đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang mọc lên san sát; nhiều hộ dân khá giả mua sắm các trang thiết bị điện tử, máy móc, ô tô phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh; con em được quan tâm chăm lo học hành thành đạt… tất cả cũng là nhờ người dân đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Họ chịu khó học hỏi, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhanh nhẹn, kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp; chú trong việc liên kết trong sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Nhiều hộ gia đình trước đây chỉ biết độc canh cây cà phê hoặc tiêu thì nay đã biết trồng xen canh các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, bưởi… mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đơn cử như hộ ông Lý Trung Ngọc (thôn 3); Lý A Hải, Hoàng Quân (thôn Ea Mô), Huỳnh Văn Hiền (thôn 4), Nguyễn Ngọc Giáo (thôn 1)…

Một buổi truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ ở xã Cư Bao.
Một buổi truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ ở xã Cư Bao.

Ở xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), cùng với triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương luôn chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đặc biệt là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo đó, ở tất cả 6/6 buôn trên địa bàn xã đều còn lưu giữ những bộ chiêng quý, ghế kpan, trống; đặc biệt là mỗi buôn đều thành lập đội chiêng, tích cực luyện tập và tham gia giao lưu tại những sự kiện văn hóa. Các buôn có nhiều phụ nữ biết dệt thổ cẩm, có nghệ nhân hát Aray, truyền dạy cồng chiêng, tạc tượng…

Có thể nói, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê. "Với những thành quả như kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được tăng cường và an ninh trật tự xã hội được giữ vững… sẽ là nguồn động viên, cổ vũ và là động lực để nhân dân phấn đấu vươn lên trong cuộc sống", ông Phạm Ngọc Tiên, Chủ tịch UBND xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) bày tỏ.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc