Multimedia Đọc Báo in

Xã nghèo vùng sâu nỗ lực vượt khó

09:28, 29/04/2020

Là một xã nghèo vùng sâu, có xuất phát điểm thấp nên việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Cư Króa (huyện M’Đrắk) gặp rất nhiều khó khăn.

Thôn 3 được chọn là thôn điểm xây dựng NTM của xã Cư Króa. Trước đây, đoạn đường vào thôn 3 là đường đất, nhỏ, hẹp, hai bên cỏ tranh rậm rạp, mùa mưa lầy lội, đi lại rất vất vả. Năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ vốn, người dân trong thôn đã tự tháo hàng rào để nhường đất và góp sức xây dựng đường bê tông rộng 3 m, dài hơn 1 km.

Bà Trịnh Thị Bột (thôn 3) phấn khởi chia sẻ, nhiều năm nay, người dân trong thôn mong mỏi có con đường mới để thuận tiện cho việc đi lại nên khi được xã vận động, cả thôn đã nhiệt tình góp công, góp của. Riêng gia đình bà tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường. Nhờ vậy, đến nay thôn đã có con đường thoáng mát, rộng rãi, việc buôn bán của người dân cũng thuận lợi hơn, đời sống được nâng cao. Thôn 3 có khoảng 8,8 km đường giao thông, nhờ sự chung sức của 62 hộ dân, thôn đã bê tông hóa, đổ đá dăm được hơn 6 km.

Mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả cho thu nhập cao ở thôn 6 (xã Cư Króa).
Mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả cho thu nhập cao ở thôn 6 (xã Cư Króa).

Ông Trần Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Króa cho biết, phong trào hiến đất làm đường được người dân 9/9 thôn hưởng ứng sôi nổi. Đến nay, người dân trong xã đã hiến 4,55 ha đất để xây dựng đường giao thông liên xã, đường nội thôn và các công trình công cộng, giúp địa phương thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Để có được thành quả đó, xã đã phối hợp đội ngũ cán bộ thôn tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân thông qua các buổi họp thôn, tiếp xúc cử tri, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo… giúp người dân thay đổi nhận thức, hiểu được lợi ích và trách nhiệm để cùng chung tay xây dựng NTM.

Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấy cây trồng, phát triển kinh tế. Sau khi Nhà máy gỗ dăm của Hợp tác xã Tiến Nam được thành lập tại địa phương, người dân đã tập trung phát triển và mở rộng diện tích trồng rừng. Đến nay, diện tích trồng rừng của toàn xã là 1.200 ha, nhờ có đầu ra và thu nhập ổn định nên nhiều hộ thoát nghèo từ mô hình này.

Ngoài trồng cây rừng, người dân còn chủ động đưa cây ăn trái vào sản xuất, thay thế nhiều diện tích hoa màu kém hiệu quả, mang lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nhờ Chương trình 30a hỗ trợ nhiều cây giống (chủ yếu cây ăn quả), phân bón các loại cùng với địa phương mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ vốn, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản suất... nên hiện nay xã đã có 70 ha cây ăn trái các loại như: cam, quýt, nhãn… Nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ vườn cây như gia đình anh Phan Văn Mẫn (thôn 6) với hơn 2 ha trồng vải u hồng, lãi hơn 150 triệu đồng/năm; gia đình bà Nguyễn Thị Miền (thôn 3) trồng 150 cây nhãn, lãi hơn 100 triệu đồng/năm… Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương đã giảm được 10,48% hộ nghèo so với năm 2018 (41,19%). Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã là 30,71%, bình quân thu nhập đầu người đạt gần 21 triệu đồng/năm. Xã cũng tập trung hoàn thiện các tiêu chí không đòi hỏi chi phí đầu tư lớn như an ninh trật tự, y tế...

Tuyến đường thôn 3 (xã Cư Króa) được bê tông hóa từ sự đóng góp của người dân.
Tuyến đường thôn 3 (xã Cư Króa) được bê tông hóa từ sự đóng góp của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, xã còn gặp khó về một số tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn như: thủy lợi, đường giao thông, điện… 9/9 thôn đã có hội trường nhưng các hội trường đều xuống cấp, trang thiết bị không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Về thủy lợi, xã có 3 hồ dự trữ nước tự nhiên ở thôn 1, 5, 7. Trong đó, hồ ở thôn 1 và thôn 5 đã xuống cấp, các hồ chỉ đủ cung cấp nước tưới cho một diện tích nhỏ…

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cư Króa Trần Văn Kiên, hiện địa phương mới chỉ đạt được 8 tiêu chí gồm: quy hoạch; thông tin - truyền thông; lao động và việc làm; giáo dục; y tế; văn hóa; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng an ninh, các tiêu chí này đều đạt ở mức bền vững. Địa phương nỗ lực phấn đấu mỗi năm hoàn thành 2 tiêu chí. Trong đó, năm 2020 xã chú trọng thực hiện tiêu chí điện và tiêu chí môi trường. Hiện hai tiêu chí này đang được triển khai thực hiện tốt.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.