Biến tướng ngôn ngữ - đôi điều luận bàn
Những nghiên cứu gần đây cũng như việc quan sát hằng ngày cho thấy sự suy giảm, xuống dốc trầm trọng, làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt vốn vô cùng giàu có, đa dạng và trong sáng.
Từ những cuộc trò chuyện hằng ngày, từ ngôn ngữ “chat” trên Internet, tin nhắn trên điện thoại…, một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay (học sinh, sinh viên) đang tạo nên một “thương hiệu” ngôn ngữ cho riêng mình. Họ thoải mái lạm dụng tiếng lóng, vay mượn từ nước ngoài, thậm chí khiên cưỡng kết hợp xây dựng từ, cụm từ khiến cho ngôn ngữ tiếng Việt biến tướng đáng ngại.
Hãy thử lướt qua một vài trang mạng xã hội đang thịnh hành hiện nay như Facebook, Zalo, Instagram… không khó để bắt gặp nhan nhản những cuộc giao tiếp, trao đổi, những comment (bình luận) đầy rẫy tiếng lóng: con nghẹ (bạn gái), gato (ghen ăn tức ở), một chai (một triệu), ảo tung chảo (lối sống phi thực tế), thả thính (dụ dỗ), bốc hơi (biến mất), buôn dưa lê (tám chuyện, ngồi lê đôi mách), dở hơi tập bơi, bó tay.com, phê như con tê tê, buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián…
Minh họa: Đức Văn |
Đặc biệt hơn là kiểu “chuyển ngữ”, lai căng, đơn cử: 4U (for you - cho bạn); G9 (good night - chúc ngủ ngon); G92U (good night to you - chúc ngủ ngon tới bạn); 2NT (tonight - tối nay); ngon wa (ngon quá); Hi vk iu, 2NT ck dẫn vk đi chơi nhé (chào vợ yêu, tối nay chồng dẫn vợ đi chơi nhé)... Và, đến như thế này thì quả là vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người: Mày không Ugly tiger à? (ugly: xấu, tiger: con hổ - mày không xấu hổ à?); Chuyện nhỏ, no star where (chuyện nhỏ, không sao đâu)... Ngoài ra, thật ái ngại làm sao với việc nói tục, chửi bậy được che đậy dưới lớp ký hiệu này: Đ.M, CMNR…
Không khó thấy những kiểu tin nhắn như thế này từ các bạn trẻ, thậm chí sử dụng để nhắn tin cho thầy cô: “hum ni nhak e có viek pan, xin phép thầy cho em nghỉ hok 1 bui ak” (hôm nay nhà em có việc bận, xin phép thầy cho em nghỉ học một buổi ạ); “thank thầy, em bik rui ak” (cảm ơn thầy, em biết rồi ạ)… Và không phải ngẫu nhiên khi thi thoảng ngôn ngữ “teencode”… được sinh viên đưa vào cả bài kiểm tra, bài thi trong nhà trường. Như vậy, rõ ràng sự lệch chuẩn này không chỉ được xem xét ở góc độ vui vẻ, trẻ trung, mới mẻ nữa. Trong một chừng mực nào đó, người lớn và đặc biệt là những người làm giáo dục có lý do để quan ngại.
Thậm chí, ở một số tờ báo mạng, đặc biệt là nhiều tờ báo dành cho tuổi mới lớn, họ không ngần ngại sử dụng cả ngôn ngữ thường dùng hằng ngày vào bài viết của mình, mục đích là tạo sự gần gũi, tăng tính sinh động và thu hút sự chú ý của độc giả tuổi teen. Cách làm này của truyền thông vô hình trung cổ súy cho trào lưu sử dụng ngôn ngữ phi chuẩn mực của một bộ phận giới trẻ trong khi các tờ báo cần giữ gìn sự trong sáng, mẫu mực của ngôn ngữ. Ngay cả giới giải trí cũng có những sản phẩm âm nhạc thiếu kiểm duyệt khiến nó được phổ biến rộng rãi đến dở khóc dở cười. Nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán với mốt đặt tên cho ca khúc là “Như lời đồn”, “Như cái lò”, “Xếp hình”, “Thu dẩm”…
Thực ra, tất cả mọi hiện tượng đều có nguyên nhân và cơ chế lan tỏa của nó. Ở góc độ này, trước hết cần phải nhắc đến sự bùng nổ và thâm nhập sâu rộng của công nghệ thông tin vào đời sống. Hơn bất cứ nơi nào, đây chính là mảnh đất để những lệch chuẩn ngôn ngữ có cơ hội phát triển và lan truyền hết sức nhanh chóng. Sự buông lỏng, thiếu sự kiểm duyệt và quản lý của các cơ quan văn hóa khiến cho những tờ báo mạng “lá cải”, những thông tin quảng cáo, thậm chí là những chương trình giải trí nhảm nhí xâm hại đến giá trị chuẩn mực của ngôn ngữ.
Nhiều ý kiến cảm thông cho rằng, việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ @ là sáng tạo riêng của giới trẻ, ở một phương diện nào đó cũng có ý nghĩa nhất định như việc truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (dùng ký hiệu, chữ viết tắt) nên nó không ảnh hưởng nhiều và không có gì đáng nói. Cái mới, sự sáng tạo ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần được ghi nhận và khuyến khích. Tuy nhiên, những hiện tượng đó phải phù hợp với thước đo chuẩn mực, nhất là ở phương diện ngôn ngữ và việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng, giàu có của tiếng Việt. Vì vậy, mọi sự lệch chuẩn cần được nhận thức, lý giải đầy đủ, sâu sắc về cơ chế, nguyên nhân để từ đó có những biện pháp giáo dục, định hướng đúng đắn.
Ngô Thế Lâm
Ý kiến bạn đọc