Multimedia Đọc Báo in

Một thời, sinh viên mê đọc báo…

09:25, 26/06/2020

Với nhiều người, đọc báo là thú vui, thói quen hằng ngày. Riêng những người làm báo, cầm tờ báo, ấn phẩm do mình góp sức làm ra, lật đọc từng trang luôn mang đến cảm xúc đặc biệt.

Tôi có thói quen đọc báo từ những ngày đầu là sinh viên của Trường Đại học Khoa học Huế. Khoảng 20 năm trước, loại hình báo in bắt đầu bước vào giai đoạn hoàng kim. Ở Cố đô Huế, các quầy, sạp báo được bày bán rất nhiều trên vỉa hè. Đọc báo trở thành thú vui không chỉ của giới trí thức, người về hưu mà cả học sinh, sinh viên, đến các bác chạy xe thồ. Bởi vậy, các sạp báo lúc nào cũng nhộn nhịp, có những ngày, chủ sạp lấy ít báo, không đủ để bán nên phải gọi người chạy đến tận tòa soạn, nhà in mua thêm.

Hồi đó, các cô nữ sinh Trường Hai Bà Trưng, Quốc Học mỗi lần ngang qua sạp báo cũng ghé vào mua cuốn Hoa Học Trò hay Áo Trắng bỏ vào cặp rồi mang đến trường. Những người lớn tuổi thì đơn giản hơn khi lật nhanh mấy trang xem báo có tin thời sự nào "nóng sốt" thì mua về vì tờ nhật báo hồi đó chỉ có giá 1.500 đồng, nên chẳng mấy ai tiếc tiền mua đọc. Riêng cánh sinh viên, nhất là sinh viên báo chí như chúng tôi, đọc báo hằng ngày là điều không thể thiếu. Đầu tháng còn có tiền thì mỗi đứa chọn mua một tờ mình thích: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sinh viên Việt Nam… rồi đổi nhau đọc. Cuối tháng thì phải nhịn ăn sáng, vài đứa góp nhau lại mới đủ tiền mua tờ báo. Thậm chí, có những hôm phải ghé quầy báo tranh thủ... "đọc trộm" vì đứa nào cũng chẳng còn đồng cắc nào.

 Ảnh minh họa
Bên cạnh đọc báo bằng các thiết bị điện tử, nhiều độc giả thích đọc báo in. (Ảnh minh họa)

Hay đọc báo và cũng được các thầy động viên, chúng tôi bắt đầu tập tành viết báo. Ban đầu cứ viết “những gì mình thấy” rồi gửi cộng tác các báo. Sau khi tin, bài gửi đi thì hy vọng sẽ được đăng và cứ trông ngóng từng số báo. Có khi chờ lâu quá, nghĩ tác phẩm của mình không được đăng nên không để ý, đến khi thấy tin, bài của mình trên báo, cảm xúc vừa bất ngờ, vừa sung sướng. Sinh viên năm nhất, năm hai mà có bài được đăng báo là hãnh diện lắm nên khi bài viết đầu tay được đăng, tôi mua 10 tờ báo tặng người thân, bạn bè và cất giữ tận đến khi ra trường.

Những năm cuối đại học, tôi tiếp cận được một số anh phụ trách trang, mục hay phụ trách văn phòng đại diện các báo nên việc cộng tác cũng thuận lợi hơn và được hỗ trợ, biên tập nên tin, bài thường xuyên được đăng hơn. Tác phẩm nào đăng trên báo ngày hôm sau thì đêm trước được các anh thông báo, thế là cả đêm đó chộn rộn, khấp khởi vui mừng, sáng dậy thật sớm đến văn phòng xin báo hoặc ghé quầy mua báo đọc để xem mặt mũi "đứa con tinh thần" của mình, hôm đó vui cả ngày…

Từ khi trở thành phóng viên của Báo Đắk Lắk, cảm giác khi cầm tờ báo có tác phẩm của mình vẫn vẹn nguyên như bài viết đầu tiên. Những ngày mới vào làm việc tại Báo, phóng viên chúng tôi còn nộp bài cho Tòa soạn bằng bản thảo trên giấy. Đến khi biên tập xong thì chuyển file bài viết về Phòng Thư ký Tòa soạn để tổ chức trang. Mỗi lần thấy điện thoại của bộ phận kỹ thuật yêu cầu chuyển bài viết là biết bài của mình sẽ được đăng trên số báo tiếp theo. Thế là ngày hôm sau đến Tòa soạn thật sớm để lấy báo đọc, xem bài viết của mình “vuông tròn” ra sao, có sai sót gì không. Buổi sáng nhâm nhi ly cà phê, cầm tờ báo còn thơm mùi mực in, lật đọc từng trang cảm giác thật thú vị. Đến bây giờ, hơn 10 năm làm báo, không còn cái cảm giác thấp thỏm, hồi hộp chờ báo phát hành để đọc, nhưng mỗi sáng cầm trên tay tờ báo có bài viết của mình cũng mang lại sự thích thú. Bên cạnh tác phẩm của mình, tôi cũng đọc những bài viết của đồng nghiệp trên mỗi tờ báo để học hỏi, bổ sung tư liệu, ngôn từ và những cách nhìn mới.

Khi công nghệ ngày càng phát triển người ta chủ yếu đọc báo bằng các thiết bị điện tử, báo in không còn được quan tâm như trước, các quầy sạp bán báo cũng vắng dần. Tôi cũng chẳng mấy khi mua các báo để đọc, nhưng mỗi số báo “nhà” thì không thể bỏ sót. Những bài viết tâm huyết, được chăm chút công phu thì vẫn thấp thỏm chờ báo phát hành để đọc. Cầm tờ báo mới được trình bày đẹp, nội dung hấp dẫn, cảm giác vẫn thích thú như những ngày đầu bước chân vào nghề báo.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.