Những ngày mẹ bị cách ly
10:13, 08/08/2020
Dịch Covid-19 quay lại sau 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng khiến chúng tôi nhiều phen tim như ngừng đập, nghẹt thở và lo lắng bởi mẹ mình đang ở tâm dịch…
21 tháng 7
Mẹ tôi – người phụ nữ 60 tuổi mang một số bệnh lý thường gặp của người già, suốt một năm rồi điều trị ở vài bệnh viện vẫn không đỡ đã quyết định đi Đà Nẵng theo lời giới thiệu của người quen. Từ TP. Buôn Ma Thuột, mẹ đi xe giường nằm đến Đà Nẵng. Mẹ quyết định đi một mình, nếu phải nhập viện phẫu thuật thì con cháu sẽ ra sau.
22 tháng 7
Mẹ vào bệnh viện khám và được cho ở lại điều trị nội trú. Bác sĩ cho thuốc tiêm và thuốc uống ngày 2 lần. Bệnh tình có vẻ đỡ hơn nên mẹ vẫn đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường, chưa cần con phải ra chăm sóc.
24 tháng 7
Chúng tôi nhận được tin dữ: Bệnh viện mẹ đang điều trị bị phong tỏa vì có bệnh nhân mắc Covid-19. Việt Nam chính thức kết thúc 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và lại bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh nguy hiểm đang đe dọa cả thế giới. Từ chiều ngày 24-7 trở đi, những tin tức về Covid-19 được chúng tôi theo dõi từng giờ. Mẹ vẫn được đi lên, đi xuống giữa các tầng vì bệnh nhân Covid-19 nằm ở tòa nhà phía sau khu nhà điều trị của mẹ và đã được chuyển đi nơi khác.
26 tháng 7
Bệnh nhân 418 được công bố - là bệnh nhân điều trị ở tầng trên cùng khu nhà mẹ đang ở - nơi mà mới hôm qua thôi mẹ và nhiều người vẫn còn đi dạo loanh quanh. Mức độ nguy hiểm lúc này đã tăng lên theo cấp số nhân khiến chúng tôi đứng ngồi không yên nhưng vẫn cố tỏ ra lạc quan để giữ tinh thần cho mẹ.
Công dân được hướng dẫn viết tờ khai y tế trước khi vào khu vực cách ly. (Ảnh minh họa) |
0 giờ 28 tháng 7
Thành phố Đà Nẵng bắt đầu phong tỏa trong 14 ngày, mọi phương tiện giao thông không được phép đi/đến Đà Nẵng. Trước khi có áp dụng lệnh phong tỏa hàng nghìn khách du lịch hối hả rời khỏi thành phố bằng mọi phương tiện. Trong phút chốc sợ hãi, tôi lo lắng hình dung nếu tình huống xấu nhất xảy ra, làm sao chúng tôi có thể kịp thời có mặt?
Mỗi ngày chúng tôi chỉ biết gọi điện cho mẹ để cập nhật tình hình dịch bệnh ở nhà và giúp mẹ có cảm giác các con vẫn đang ở ngay cạnh mình. Chúng tôi trêu mẹ: mẹ may mắn lắm nhé, ở có người canh gác, ăn có người đưa đến tận phòng ngày ba bữa nóng hổi, rác cũng chẳng phải đổ, lại còn được bác sĩ thăm khám ngày mấy lượt.
Bây giờ mà ra ngoài còn nguy hiểm gấp nhiều lần bởi chẳng ai biết được trong những người mà mình tiếp xúc liệu có ai là bệnh nhân Covid-19 mà chưa được phát hiện. Trẻ như chúng tôi còn đỡ chứ có tuổi như mẹ rồi sức đề kháng yếu, dịch lần này lại lây lan nhanh nên ở bệnh viện sẽ an toàn cho mẹ hơn.
Mẹ gật gù bảo có lý. Nhờ các bác sĩ tận tình, thường xuyên động viên nên các bệnh nhân và người nhà trong bệnh viện đều tự giác chấp hành nội quy bệnh viện, đeo khẩu trang, cách nhau 2 m và đợi ngày hết cách ly. Mẹ kể thấy thương các y bác sĩ lắm vì bệnh nhân và người nhà chỉ ở yên trong phòng, còn các y bác sĩ cứ luôn chân luôn tay chẳng được nghỉ ngơi.
31 tháng 7
Việt Nam có ca bệnh nhân Covid-19 tử vong đầu tiên. Khuya 31-7 có thêm bệnh nhân Covid-19 thứ 2 tử vong. Bệnh nhân này chỉ 61 tuổi. Rồi đến bệnh nhân thứ 3, 4, 5, 6 tử vong. Cứ mỗi một lần có tin về số bệnh nhân mới, số ca nặng và tử vong là lại thêm một lần lòng chúng tôi như lửa đốt, bất an, lo lắng.
3 tháng 8
TP. Buôn Ma Thuột chính thức cách ly xã hội từ 0 giờ sau khi có 3 ca dương tính với Covid-19. Tôi báo tin cho mẹ, giờ ở nhà cũng nguy hiểm vì không biết liệu xung quanh mình ai đang là F1, F2, F3.
Dù ở xa nhau nhưng hằng ngày mẹ con chúng tôi vẫn liên lạc động viên tinh thần nhau. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng với những biện pháp quyết liệt của các lực lượng chức năng và sự đồng tình ủng hộ của toàn dân, chúng tôi hy vọng và tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Việt Nam sẽ lại chiến thắng đại dịch như chúng ta đã từng làm được. Mẹ hãy yên tâm mẹ nhé!
Bình An
Ý kiến bạn đọc