Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống Covid-19: Cần nâng cao hơn nữa ý thức mỗi cá nhân

12:40, 02/08/2020
Sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng, ngày 26-7 vừa qua Covid-19 quay trở lại với ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng phải nhắc lại rằng, chuyện thành - bại trong đợt chống dịch lần này không thể thiếu được vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
 
Nhìn lại chặng đường phòng, chống dịch Covid-19 kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 23-1-2020, có thể thấy bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và nỗ lực của các lực lượng như quân đội, công an, y tế, truyền thông, các nhà khoa học thì ý thức của người dân trong việc tuân thủ những khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng là yếu tố then chốt mang lại thành công của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Để rồi trong khi thế giới đang phải chật vật chống lại dịch bệnh thì ở nước ta, hầu như mọi mặt đời sống của người dân đã trở lại trạng thái cơ bản bình thường.
 
Tình trạng tụ tập đông người sau khi có khuyến cáo của cơ quan chức năng không phải là hiếm
Tình trạng tụ tập đông người sau khi có khuyến cáo của cơ quan chức năng vẫn xảy ra
 
Thế nhưng thành quả đó dường như đã tạo nên tâm lý chủ quan của không ít người khi dịch bệnh quay trở lại. Ngay sau khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn các cấp đã lập tức phát đi những cảnh báo và khuyến cáo đến người dân về mức độ nguy hiểm và cách phòng tránh dịch bệnh. Ngay như thông tin từ Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong những buổi họp báo đầu tiên thì kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng virus ở bệnh nhân tại Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng virus corona đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Đó là những thông tin rất đáng chú ý, có thể “thức tỉnh” tâm lý cảnh giác của nhiều người. 
 
Ấy vậy mà ở nhiều nơi, tình trạng tụ tập đông người khi không bảo đảm các yếu tố an toàn vẫn diễn ra; một số người vẫn không thực hiện các biện pháp tự bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế… Bên cạnh đó, hành vi mang tính cá nhân nhưng đáng lên án không kém là việc không tự giác khai báo thông tin y tế, thậm chí là trốn khỏi khu cách ly. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì hành vi này có thể gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng khiến việc kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng khó khăn, gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng. Nếu không may người khai báo thiếu trung thực, người trốn khỏi khu cách ly mà mắc bệnh thì khó khăn trong việc kiểm soát, gánh nặng y tế và mối nguy cho cả xã hội sẽ lớn đến nhường nào. 
 
Covid-19 tại Việt Nam đang có những diễn biến mới, phức tạp và gây rất nhiều khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị, của ngành y tế thì bản thân mỗi người càng không được lơ là trong việc phòng, chống dịch. Trong lúc này, ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch của mỗi người, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.