Multimedia Đọc Báo in

Bài học từ việc thực hiện gói an sinh xã hội

17:11, 23/09/2020

Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc báo chí phản ánh những khuất tất, mập mờ, sai đối tượng thụ hưởng, có dấu hiệu trục lợi trong công tác chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 tại xã Cư Elang (huyện Ea Kar).

Các cơ quan chức năng đang phối hợp, vào cuộc điều tra để có kết luận đúng sai cuối cùng.

Những vụ việc như vậy không chỉ xảy ra tại Đắk Lắk mà còn ở một số địa phương khác trên cả nước mà thông qua phản ánh của người dân, cơ quan báo chí vào cuộc thì mới bị phanh phui. Thật đáng buồn khi cứ mỗi lần Chính phủ đưa ra một gói hỗ trợ, tất nhiên hướng đến những đối tượng thuộc diện chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội thì sau đó lại có một số cán bộ bị kỷ luật vì lợi dụng chính sách đó trục lợi cho cá nhân, cho người thân. Tất nhiên, những cán bộ để xảy ra sai phạm cuối cùng cũng bị xử lý, chịu các hình thức kỷ luật khác nhau, song vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, giảm sút niềm tin của người dân về đội ngũ cán bộ cơ sở, những người gần dân, sát dân, gắn bó với dân nhất.

Phóng viên đang tìm hiểu. Ảnh: Công Lý
Phóng viên đang tìm hiểu việc chi sai đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tại xã Cư Elang (huyện Ea Kar). Ảnh: Công Lý

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi vì sao lại có thể xảy ra chuyện đáng buồn như vậy, khi Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, nêu rất cụ thể các nhóm đối tượng, hướng dẫn quy trình và thủ tục cũng như phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ban ngành, chính quyền địa phương. Theo đó các quy trình rà soát, hướng dẫn, công nhận các đối tượng, trong đó hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được triển khai trước ở các thôn, buôn; sau đó các cán bộ xã tiếp tục đi khảo sát thực tế địa bàn để rà soát lại một lần nữa, đối chiếu với các điều kiện quy định được hưởng trong gói an sinh xã hội và chốt danh sách cuối cùng, trước khi thông qua các cơ quan chức năng thẩm định, xét duyệt kỹ lưỡng lần cuối mới được thụ hưởng. Chắc chắn nếu làm đúng quy trình chặt chẽ như trên thì không thể xảy ra trường hợp để "nhầm" đối tượng, “hô biến” nhà giàu thành nhà nghèo như ở một số địa phương đã xảy ra. Rõ ràng vấn đề ở đây là trong quá trình triển khai thực hiện, lập danh sách đối tượng thụ hưởng của các địa phương không rõ ràng, công khai, minh bạch, không có sự giám sát của nhân dân.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó với những tác động từ dịch Covid-19 tổ chức vào đầu tháng 4-2020, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã lường trước những vụ việc, khả năng xảy ra khi triển khai gói hỗ trợ nên lưu ý các địa phương trong quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Lời cảnh báo, nhắc nhở trên kèm theo những vụ việc, minh chứng cụ thể, đã xảy ra chắc chắn là không thừa đối với bất cứ địa phương nào trong quá trình triển khai thực hiện gói an sinh xã hội hết sức nhân văn của Chính phủ.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.