Vượt qua đại dịch (Kỳ 1)
Thời gian qua, Đắk Lắk và nhiều địa phương trong cả nước đã trải qua giai đoạn cam go khi phải đối phó với đại dịch Covid-19. Song đây cũng là giai đoạn chứng tỏ sức mạnh và bản lĩnh của cả hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ, niềm tin vững chắc của nhân dân, đồng lòng cùng các cấp chính quyền vượt qua gian khó.
Kỳ 1: “Siêu bão” Covid-19
Sau một thời gian tạm lắng, từ cuối tháng 7-2020, Đắk Lắk cùng với các địa phương trong cả nước lại bước vào cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 cam go hơn, phức tạp hơn.
Chủ động trước “tín hiệu báo bão”
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, đến 6 giờ ngày 21-10, toàn thế giới đã ghi nhận 41.184.776 người mắc Covid-19, trong đó có 1.130.658 người tử vong. 5 quốc gia có số ca mắc nhiều nhất là Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Tây Ban Nha.
Tại Việt Nam, kể từ 2 trường hợp đầu tiên được ghi nhận mắc Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 1-2020; đến 6 giờ ngày 21-10 đã có 1.141 ca bệnh, trong đó có 35 trường hợp tử vong. Ngay sau khi 2 trường hợp đầu tiên mắc bệnh, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng vào cuộc tham gia phòng chống dịch.
Trong thời điểm phòng chống dịch, tại các khu cách ly tập trung, người dân được phục vụ chu đáo. |
Dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đầu tháng 2-2020, Đắk Lắk đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị làm Trưởng ban. Đồng thời, một kịch bản chi tiết cũng đã được ban hành với 4 cấp độ, từ cấp độ 1 có trường hợp bệnh xâm nhập, đến cấp độ 4 khi dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với hơn 1.000 trường hợp mắc. Mỗi cấp độ có những yêu cầu tương ứng về công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh, truyền thông và công tác hậu cần. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ dịch bệnh. Cơ quan quản lý du lịch chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào địa bàn. Tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương giám sát chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ của dịch bệnh, nhất là những người có tiền sử đi du lịch, công tác từ vùng dịch trở về để có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời.
Thành công bước đầu đáng ghi nhận
Cuối tháng 7, đầu tháng 8-2020 – thời điểm có 3 ca bệnh Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Đắk Lắk chính thức bước vào giai đoạn mới. Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đều bám sát tình hình để có những chỉ đạo kịp thời về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, ngay khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh kích hoạt ngay Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai đến tận thôn, buôn, tổ dân phố, nhất là tổ giám sát cộng đồng, để cùng ngành y tế ứng phó, khoanh vùng cách ly kịp thời ca bệnh và truy vết các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh. |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh H’Yim Kđoh, với quan điểm không để dịch lây lan trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh yêu cầu tất cả thành viên Ban Chỉ đạo cũng như các, sở, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Cùng với đó, các ngành chức năng và địa phương khẩn trương khoanh vùng, truy dấu F1, F2; thiết lập mạng lưới giám sát, phát hiện, xử lý dịch đến tận cơ sở với sự tham gia của tất cả các lực lượng. Công tác giám sát, cách ly tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung và cơ sở y tế đối với các trường hợp nguy cơ được triển khai đúng quy định. Đặc biệt, TP. Buôn Ma Thuột đã kịp thời phong tỏa 4 khu dân cư liên quan đến 2 ca bệnh 601 và 602. Đồng thời, thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 14 ngày để phòng chống dịch Covid-19.
Người dân thực hiện khai báo y tế trước khi vào khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Cùng với đó, 3 ca nhiễm Covid-19 và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đã nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, tại đây cũng được thiết lập 5 khu vực cách ly để thực hiện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc và các trường hợp nghi mắc Covid-19, gồm: khu tiếp đón, khám sàng lọc bệnh nhân; khu cách ly bệnh nhân nghi ngờ nhiễm; khu cách ly bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính; khu cách ly điều trị các bệnh nhân nặng, cấp cứu cần phải thở máy; khu điều trị bệnh nhân chờ hồi phục để xuất viện. Đồng thời, tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh cũng thực hiện phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng vào để kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, tránh tình trạng dịch bệnh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế và lây lan ra cộng đồng.
Chính sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp Đắk Lắk thành công trong giai đoạn đầu chống dịch. Ngoài 3 trường hợp dương tính với Sars-CoV-2, còn có 144 trường hợp trở về từ vùng dịch có dấu hiệu ho, sốt được cách ly tại cơ sở y tế; 674 trường hợp F1, F2 và trở về từ vùng dịch được cách ly tập trung; 19.685 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú. Hiện tại, 3 trường hợp mắc bệnh đã được điều trị khỏi và xuất viện, toàn tỉnh không còn trường hợp nào phải cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Việc khống chế, đẩy lùi thành công dịch bệnh chứng tỏ sức mạnh và bản lĩnh của toàn hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ, niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp để đồng lòng vượt qua gian khó.
(Còn nữa)
Lê Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc