Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên sức mạnh của lòng nhân ái

09:19, 01/11/2020

Không quản nắng mưa, khó nhọc, họ luôn sẵn sàng có mặt trên mọi nẻo đường để đồng hành, giúp đỡ các hoàn cảnh éo le vươn lên trong cuộc sống. Họ là những người luôn hết lòng vì công tác từ thiện, nhân đạo.

24 năm làm công tác nhân đạo

Gắn bó với Hội Chữ thập đỏ xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) từ ngày Hội thành lập, đến nay bà Nguyễn Thị Hồng (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã) đã có 24 năm làm công tác nhân đạo. Trong các cuộc trò chuyện, bà như tiếp thêm năng lượng cho những người nghe bằng lối giao tiếp chân thành và đầy nhiệt huyết.

Xác định để làm tốt công tác nhân đạo cần phải xây dựng được nguồn lực, đồng thời tuyên truyền để người tham gia nhận thức làm công tác nhân đạo vì cộng đồng và từ cộng đồng, từ đó bà Hồng đã có nhiều cách triển khai hiệu quả. Trước khi muốn giúp đỡ địa chỉ nào, bà Hồng thường trực tiếp đến tận nơi xác minh từng hoàn cảnh người thật việc thật, sau đó mới lên phương án hỗ trợ. Sự rõ ràng, minh bạch và chân tình của bà được địa phương và mạnh thường quân tin tưởng, tín nhiệm. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay đã có 35 địa chỉ khó khăn được giúp đỡ, hỗ trợ với mức 200 nghìn đồng/tháng. Cùng với đó, bà còn kết nối, vận động trên 4.500 suất quà tặng các gia đình nghèo, nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng.

Tăng cường hỗ trợ người nghèo, từ năm 2015 đến nay, Hội Chữ thập đỏ xã Ea Kly đã xây dựng các mô hình hỗ trợ theo hình thức "tặng cần câu song song với con cá". Đơn cử như xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương”, Hội thu hút đông đảo hội viên tham gia thực hiện được 2.900 hũ gạo, thu gần 13 tấn gạo với tổng trị giá 129 triệu đồng. Với mô hình “Nuôi heo đất”, Hội kêu gọi, vận động tất cả các chi hội cùng hưởng ứng, đến nay đã nuôi được 401 con heo với tổng số tiền 96,7 triệu đồng. Hay như mô hình 10 người giúp 1 người đã vận động được 273 hội viên góp vốn với tổng số tiền trên 706 triệu đồng, qua đó giúp 35 hội viên nghèo vay vốn không lãi suất để chăn nuôi, phát triển kinh tế.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng các  đại biểu tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo và hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk lần thứ III.
Bà Nguyễn Thị Hồng (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng các đại biểu tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo và hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk lần thứ III. Ảnh: S.Quỳnh

 

Ở độ tuổi 68, nhưng bà Hồng vẫn luôn sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà tâm tình: “Người nghèo ấm bụng thì mình ấm lòng, phải thực sự không màng đến quyền lợi cá nhân thì mới thực hiện tốt công tác từ thiện, nhân đạo. Cuộc sống còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, nghèo khó cần giúp đỡ, nên hy vọng sẽ có thêm  nhiều người chung tay, đồng hành vì một xã hội “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cầu nối những trái tim nhân ái

Luôn nêu cao tinh thần “Sống vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì người thân, gia đình và bè bạn”, Trung úy QNCN Nguyễn Trung Hải (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar) tích cực làm cầu nối thiện nguyện trong nhiều năm qua. Để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, anh Hải tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ phối hợp cùng các mạnh thường quân, chính quyền địa phương xác minh hoàn cảnh các gia đình khó khăn, đồng thời tìm hướng giúp đỡ phù hợp.

Từ năm 2015, anh lập nhóm từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh éo le. Lan tỏa yêu thương, nhóm ngày càng có đông thành viên tham gia, hội tụ đủ mọi thành phần, bình quân mỗi tháng vận động, quyên góp được trên dưới 10 triệu đồng. Cùng với đó, để có thêm nguồn lực hỗ trợ các hoàn cảnh, anh trực tiếp làm cầu nối giữa những gia đình đặc biệt khó khăn với cơ quan báo chí, các mạnh thường quân. Nhờ sự chung tay của cộng đồng, đã có hơn 300 gia đình trên địa bàn trong và ngoài huyện được giúp đỡ. Từ tổng số tiền ủng hộ hơn 3 tỷ đồng của mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện của anh Hải đã xây dựng được 13 căn nhà Tình thương, mua tặng 50 con dê giống, hàng trăm suất quà mỗi năm cùng với trao tặng nhiều tiền mặt, giúp các hoàn cảnh éo le có thêm động lực vượt qua khó khăn cuộc sống.

 

Trung úy QNCN Nguyễn Trung Hải đến thăm một trường hợp  có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Cư M'gar.  Ảnh: S.Quỳnh
Trung úy QNCN Nguyễn Trung Hải đến thăm một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Cư M'gar. Ảnh: S.Quỳnh

 

Từ sự giúp đỡ kịp thời của các mạnh thường quân, một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo đã chiến thắng bệnh tật. Đơn cử như cô giáo Đinh Thị Lệ Bình (tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) bị tai biến nằm liệt, chồng cô không may bị tai nạn khi đi chăm sóc vợ tại bệnh viện, một mình mẹ chồng hơn 60 tuổi đi lượm ve chai nuôi con cháu. Anh Hải đã viết bài đăng báo về hoàn cảnh này, kết nối mạnh thường quân quan tâm, tặng quà, động viên gia đình. Sự chân thành ấy như tiếp thêm nghị lực giúp cô Bình dần hồi phục. Vui hơn khi con trai cô là Lê Thành Trung hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở thành một quân nhân gương mẫu, trưởng thành trong môi trường quân ngũ.

Cũng như bà Hồng, anh Hải, toàn tỉnh còn rất nhiều người hết lòng vì công tác nhân đạo, tạo nên vườn hoa nhân ái muôn màu muôn sắc. Tiêu biểu như ông Nguyễn Tiến Hùng (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã 38 lần hiến máu và 4 lần hiến tiểu cầu; bà Đào Thị Vỵ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) đã vận động đóng góp được gần 1,9 tỷ đồng hỗ trợ quà, vay vốn chăn nuôi, tạo việc làm cho nhiều người dân thoát nghèo; bà Phan Thị Ngọc Ánh, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ xã Đắk Liêng (huyện Lắk) đã tích cực phối hợp vận động lo việc hiếu cho 200 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 20 người già neo đơn không nơi nương tựa... Với những việc làm rất cụ thể, khó đo đếm bằng vật chất. Họ đã góp phần nhân lên sức mạnh của lòng nhân ái, giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày càng đẹp hơn.

Song Quỳnh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.