Multimedia Đọc Báo in

Bước đi khởi đầu xây dựng đô thị thông minh Buôn Ma Thuột

09:27, 17/01/2021

Trong xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững, không phải ngẫu nhiên đô thị thông minh ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các khu vực, quốc gia, địa phương đang phát triển. Buôn Ma Thuột là một trong 40 đô thị của cả nước đang triển khai xây dựng đô thị thông minh. 

Theo lộ trình, Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh được chia 3 giai đoạn gồm: 2020 - 2022, triển khai xây dựng trung tâm điều hành thông minh, lựa chọn một số chương trình, dự án trong các lĩnh vực trọng điểm triển khai thí điểm tại thành phố; 2023 - 2025, đánh giá kết quả triển khai các chương trình, dự án trong giai đoạn 2020 - 2022, mở rộng mô hình triển khai cho các khu vực khác của tỉnh; sau 2025, phát triển mô hình đô thị thông minh trên phạm vi toàn tỉnh, hướng đến việc liên kết với mạng lưới đô thị thông minh trên cả nước, khu vực và quốc tế...

Theo Sở Thông tin - Truyền thông, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh được thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

TP. Buôn Ma Thuột bước đầu đã có nhiều yếu tố thuận lợi như: hạ tầng máy tính được đầu tư tương đối đầy đủ; 100% số cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã trang bị máy tính với mạng LAN và Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai và đưa vào sử dụng, vận hành, khai thác.

Đặc biệt, tháng 10-2020, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (IOC) được thành lập. Sau khi IOC đi vào hoạt động, các đơn vị liên quan đã chạy thử nghiệm giám sát các dịch vụ đô thị thông minh, gồm dịch vụ phản ánh hiện trường, các dịch vụ giám sát: Dịch vụ hành chính công (iGate), thông tin trên môi trường mạng, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, an ninh an toàn, điều hành kinh tế - xã hội, giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh, an toàn thông tin mạng (SOC).

Các dịch vụ đô thị thông minh trên đã được các doanh nghiệp triển khai cài đặt trên hệ thống Cloud của các doanh nghiệp và tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh sẵn sàng cho việc hiển thị trên hệ thống màn hình ghép để giám sát.

Các đơn vị vận hành thử nghiệm các dịch vụ đô thị thông minh.    Ảnh: Đ.Nga
Các đơn vị vận hành thử nghiệm các dịch vụ đô thị thông minh. Ảnh: Đ.Nga

Theo lãnh đạo IOC, dịch vụ được quan tâm nhiều nhất trong giai đoạn thí điểm hiện nay là phản ánh hiện trường với nhiều lĩnh vực có tương tác trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. Dự kiến, trong tháng 2-2021 các đơn vị sẽ lựa chọn một số phường trung tâm TP. Buôn Ma Thuột để triển khai 2 lĩnh vực là xử lý số điện thoại quảng cáo, rao vặt không đúng nơi quy định và xử lý hành vi xả rác thải, nước thải ra đường phố. Ngoài ghi nhận qua các camera cố định, người dân còn có thể phản ánh bằng hình ảnh, video gửi qua một ứng dụng riêng trên điện thoại thông minh.

Mặc dù lộ trình thực hiện còn cần nhiều thời gian, song người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng về những tiện ích mà đô thị thông minh mang lại: dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công, theo dõi tiến trình xử lý, yêu cầu, kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân có thêm công cụ để giám sát và tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, sử dụng dữ liệu mở để cùng hợp tác xây dựng các giải pháp thông minh giúp giải quyết những vấn đề chung của thành phố.

Lê Hương - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.