Multimedia Đọc Báo in

Không để người yếu thế "lọt lưới" an sinh xã hội

20:08, 11/02/2021

BHXH và BHYT là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Chính vì vậy mà trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, BHXH tỉnh luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

 Nhờ chủ động đón đầu trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm, phù hợp với từng nhóm đối tượng và loại hình bảo hiểm nên số lượng người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT ngày càng tăng. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 101.739 người tham gia BHXH bắt buộc, gần 90.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và 1.673.926 người tham gia BHYT (đạt bao phủ 90,23% dân số toàn tỉnh). Đặc biệt, trong năm 2020, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò của các đại lý thu ở cơ sở, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng cao rõ rệt, nâng tổng số người dân tham gia BHXH tự nguyện lên trên 13.320 người.

Ngoài tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong năm qua, ngành BHXH đã quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả việc chi trả các chế độ, chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích cho người tham gia. Trong năm 2020, BHXH tỉnh đã chi gần 3.900 tỷ đồng, trong đó chi trả chế độ BHXH trên 2.631 tỷ đồng, chi trả khám chữa bệnh BHYT trên 1.149 tỷ đồng, chi trả BHTN gần 115 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng chế độ BHXH hằng tháng, trợ cấp 1 lần, hưởng BHTN và BHXH ngắn hạn cho hàng chục nghìn lượt người. Việc giải quyết chế độ, chính sách bảo đảm mục tiêu: đúng, đủ, kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Duy trì, phát triển bền vững các nhóm đối tượng đã và đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), tăng nhanh diện bao phủ, thực hiện lộ trình BHXH, BHYT toàn dân, không để người yếu thế “lọt lưới” an sinh xã hội là mục tiêu mà BHXH tỉnh hướng tới.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết và chi trả các chế độ cho người tham gia, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ; thường xuyên rà soát, cắt giảm hồ sơ, thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH; đưa vào sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. Đồng thời phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, đầu tư nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, đưa nhiều trang thiết bị kỹ thuật mới vào sử dụng, không ngừng thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2021 thực hiện thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT nhằm mở rộng quyền lợi cho người tham gia trong tiếp cận dịch vụ y tế…

Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, xác định vai trò là “ngành phục vụ”, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quy trình nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; phát động phong trào thi đua xây dựng người cán bộ BHXH “thân thiện, trách nhiệm”. Cùng với đó, ngành BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, để thu hút ngày càng nhiều người tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu không để người yếu thế “lọt lưới” an sinh xã hội, BHXH tỉnh cũng sẽ tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh phát triển đối tượng tham gia; đặc biệt là tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, bởi đây chính là tiền đề, là động lực căn bản để ngành BHXH tỉnh tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển bền vững của tỉnh, vì an sinh xã hội trên địa bàn.

Kim Oanh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.