Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên những việc làm tử tế

20:19, 11/02/2021

Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trước những mảnh đời không may gặp hoạn nạn, nhiều người vẫn dang rộng vòng tay sẻ chia, giúp đỡ. Những việc làm tử tế đó đang từng ngày lan tỏa, góp phần thắp sáng thêm niềm tin về những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống.

Dấu chân thiện nguyện trên những nẻo đường

Dù bận bịu việc mưu sinh, nhưng hơn 6 năm nay, bà Nguyễn Thị Lập (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) vẫn luôn dành thời gian làm thiện nguyện. Hết phân loại, giặt ủi những tấm áo quần, sắp xếp những cuốn sách giáo khoa vận động được của các tấm lòng hảo tâm, bà lại tranh thủ mang những phần quà gồm quần áo, tiền mặt, gạo, thực phẩm đến những địa chỉ đặc biệt khó khăn để trao tận tay, không chỉ ở thị xã Buôn Hồ mà còn ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

 

Một điểm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Buôn Ma Thuột. 
Một điểm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Buôn Ma Thuột.

Ở những nơi bà Lập tìm đến, mỗi người mỗi số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung sự khốn khó, như trường hợp một cụ ông ngoài 80 tuổi (huyện Krông Năng) không người thân thích, sống trong căn chòi tranh ven đường được người dân dựng cho, hay như trường hợp vợ chồng già (huyện Ea H’leo) khi biết bà Lập phát gạo cho người nghèo đã tìm đến để xin hỗ trợ, từ đó, hằng tháng bà Lập lại mang những bao gạo, phần quà đến hỗ trợ cho gia đình.

"Mỗi nơi đến, cái tôi mang đến cho họ không chỉ là ít tiền mặt, bao gạo hay tấm chăn, bộ quần áo ấm, dầu ăn, nước mắm… mà trên hết là sự đồng cảm, sẻ chia để tiếp thêm niềm tin, nghị lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống”. 
Nguyễn Thị Lập

Khó có thể kể hết những hoàn cảnh được bà Lập quan tâm hỗ trợ. Ngoài những chuyến đi thăm tặng quà hằng tháng, hay vào các dịp lễ, Tết cho trường hợp khó khăn thì bà Lập còn thường xuyên tổ chức những đợt phát gạo miễn phí và mở gian hàng quần áo cũ 0 đồng tại nhà để phục vụ người dân. Không chỉ thế, từ việc làm này, bà Lập đã kết nối được nhiều cá nhân, tổ chức cùng chung tay góp sức sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. Được biết, để có kinh phí hoạt động thường xuyên, ngoài việc vận động nguồn đóng góp, hỗ trợ của các nhà hảo tâm thì bà Lập còn trích mỗi ngày 100.000 đồng tiền bán hàng ăn sáng để bỏ heo đất dành mua gạo, thực phẩm hỗ trợ cho người nghèo.

Cầu nối yêu thương

Một chương trình thiện nguyện đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, đó là “Dĩa cơm trên tường Buôn Ma Thuột”, do các bác sĩ, cán bộ y tế đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và một số người bạn thực hiện. Ngoài vận động đóng góp của các nhà hảo tâm thông qua tài khoản, mỗi tháng 1 lần, Ban điều hành tổ chức đêm nhạc “Blouse trắng hát cho yêu thương” nhằm kết nối những tấm lòng hảo tâm, vận động cộng đồng xã hội tham gia ủng hộ để lo những bữa cơm nghĩa tình cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Người dân ủng hộ đồng bào miền Trung tại đêm nhạc  quyên góp của chương trình “Dĩa cơm trên tường  Buôn Ma Thuột”.
Người dân ủng hộ đồng bào miền Trung tại đêm nhạc quyên góp của chương trình “Dĩa cơm trên tường Buôn Ma Thuột”.

Theo bác sĩ Phạm Hòa Anh, Trưởng Ban điều hành “Dĩa cơm trên tường Buôn Ma Thuột”, chương trình chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12-9-2016, đến nay sau 4 năm hoạt động, chương trình đã huy động được 12 tỷ đồng và đã chi trả 8 tỷ đồng cho các suất cơm. Hiện nay, mỗi tháng chương trình phát gần 14.000 suất ăn tại 14 bệnh viện, tương đương với 250 triệu đồng mỗi tháng. Riêng trong tháng 10-2020, Ban điều hành đã tổ chức chương trình văn nghệ, kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt tại các tỉnh miền Trung với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những tấm lòng hảo tâm, những cách làm, câu chuyện đẹp về sự sẻ chia, đùm bọc đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Cũng từ đó, đã góp phần lan tỏa, nhân lên những việc làm tử tế trong cộng đồng.

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.