Những "cánh én" điểm tô mùa Xuân
Sinh sống, lập nghiệp trên quê hương đắk lắk, nhiều người dân tộc mông đã phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của đảng, trở thành tấm gương sáng ở các xã vùng sâu, vùng xa...
Trưởng thôn gương mẫu
Năm 2004, anh Sùng Minh Sơn (dân tộc Mông) được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Ea Bar - thôn đặc biệt khó khăn của xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Sau 7 năm, anh được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và tham gia Đội công tác 253 xã Cư Pui. Kể từ đó, anh “bén duyên” với việc “vác tù và...”.
Thôn Ea Bar có 319 hộ với gần 1.670 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông, trong đó có 90% người dân theo đạo. Thời điểm năm 2011, toàn thôn có trên 85% số hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Một số người đã bị lôi kéo xúi giục rời bỏ thôn đi về huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Anh Sơn đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể phát động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên bà con yên tâm làm ăn. Để người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu, anh đã dịch các nội dung tuyên truyền, biên soạn lại tài liệu ra tiếng Mông phát cho người dân hoặc đọc qua loa di động.
Trưởng thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) Sùng Minh Sơn thăm hỏi tình hình đời sống của người dân trong thôn. |
Khi tình hình đã ổn định, anh Sơn tập trung giúp bà con phát triển kinh tế. Năm 2011, anh đầu tư trồng 2 ha cà phê và trồng xen cây dứa để “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2014, qua học tập một số mô hình, anh đầu tư trồng cây keo lá tràm trên 1,3 ha. Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình anh cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm. Thành công này đã giúp anh thuyết phục được bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả. Đến nay, toàn thôn có 80% số hộ đã trồng cà phê, cao su; phát triển hơn 10 ha dứa và trên 100 ha keo lá tràm. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo, cận nghèo giảm còn trên 54%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của thôn giữ vững ổn định.
Là người theo đạo Tin lành, anh Sơn thực hiện đúng phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” và luôn phấn đấu làm tròn trách nhiệm công dân. Với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng, tháng 102018, anh Sơn vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người phụ nữ Mông năng động
Năm 2014, chị Đào Thị Si (dân tộc Mông) cùng gia đình chuyển từ Cao Bằng vào thôn 15, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) sinh sống. Là người biết nghề may, chị Si nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ việc may, bán quần áo truyền thống dân tộc Mông. Chị bàn bạc cùng chồng bán nhà ở quê được 300 triệu đồng mua nguyên vật liệu gồm vải, hạt, chỉ, dây lụa, máy may, máy dập ly váy và đầu tư xây dựng cơ sở may mặc ngay tại nhà. Chị Si cho biết, một bộ váy truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông làm khá kỳ công, mất nhiều thời gian vì gồm nhiều phụ kiện và luôn có các chuỗi hạt đính trên thân áo nên giá bán cao, dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/bộ.
Chị Đào Thị Si (thôn 15, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) giới thiệu trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông. |
Khi sản phẩm của cơ sở được bà con đón nhận, nguồn cung không đủ cầu, chị Si đã tuyển dụng lao động vào làm cùng. Đến nay, cơ sở may mặc của chị đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động nữ và 5 - 10 chị nhận hạt về xâu tại nhà, được trả công theo sản phẩm. Hiện tại, váy áo của cơ sở đã được cung ứng cho người Mông tại các huyện trong tỉnh và các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Đắk Nông, Gia Lai.
Là người phụ nữ tháo vát, nhanh nhạy, từ lợi nhuận của việc kinh doanh quần áo, năm 2019, chị Si “liều” vay mượn thêm 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng 2 sân bóng đá mi ni tạo “sân chơi” cho thanh niên địa phương và tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2020, chị lại làm thêm một sân bóng chuyền, phục vụ nhu cầu tập luyện, phát triển phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc