Multimedia Đọc Báo in

Kết nối và lan tỏa tình yêu với sách

09:04, 25/04/2021

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và một số cơ quan ban, ngành liên quan tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tám năm 2021 tại Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột với nhiều hoạt động thú vị và bổ ích.

Đa dạng hoạt động

Chương trình lần này diễn ra với khá nhiều hoạt động liên quan đến sách và văn hóa đọc sách như: trưng bày sách theo nhiều chủ đề khác nhau; vườn sách thiếu nhi; giới thiệu và bán các sách hay, một số loại sách được giảm giá hỗ trợ công chúng… Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động cộng đồng như: tái chế chai nhựa trồng sen đá, vẽ gỗ nghệ thuật, làm hoa giấy, làm thiệp cảm ơn, nhảy Zumba, các em thiếu nhi tham gia vẽ tranh theo chủ đề “Những chú voi hạnh phúc"…

Theo Ban tổ chức, điểm đặc biệt của chương trình năm nay là có nhiều đơn vị cùng tham gia ngày hội, mỗi đơn vị mang đến những hoạt động khác biệt, giúp người tham gia có nhiều trải nghiệm thú vị. Tại Ngày sách, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh giới thiệu, trưng bày sách, tranh ảnh của các tác giả địa phương; tọa đàm các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng... Tất cả có ý nghĩa lớn đối với bạn đọc, nhất là đối tượng trung niên, cựu chiến binh từng tham gia đấu tranh giành độc lập tự do cho quê hương đất nước…

Khách tham quan và mua sách tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột.
Khách tham quan và mua sách tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột.
“Mỗi người hãy nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời để làm giàu thêm kiến thức của mình, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội, hướng tới xây dựng một môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nhân văn, đó cũng là thông điệp mà Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam mang đến”.
Ông Nguyễn Ngọc Tý – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Ngoài việc đưa xe thư viện lưu động đến chương trình, Thư viện tỉnh còn trưng bày hơn 2.000 đầu sách ở tất cả các thể loại với nhiều kiểu dáng đẹp, bắt mắt. Những loại sách này được trưng bày theo các chủ đề: “Sách hay, sách đẹp”, “Biển, đảo Việt Nam”, “Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2021)”…

Chị Hoài Thu (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Chương trình năm nay rất hấp dẫn, không chỉ có nhiều sách hay mà còn có nhiều hoạt động rất thu hút nên tôi đưa con mình đến đây để trải nghiệm”.

Kết nối để lan tỏa

Thực tế cho thấy, việc đọc sách đang dần được xã hội quan tâm và mong muốn lan tỏa nhiều hơn điều này ra cộng đồng. “Chính vì vậy, khi thực hiện chương trình, chúng tôi đã hướng tới nhiều phân khúc đối tượng người đọc sách để đưa ra những hoạt động phù hợp. Cụ thể, đối với những người yêu thích đọc sách sẽ có chương trình ngày hội sách với sách hay, sách chuyên sâu; đối với thanh niên sẽ có mục “Mỗi thanh niên một cuốn sách” hay đối với học sinh và thiếu nhi thì có các game show…” – ông Nguyễn Thanh Tuấn (đại diện Ban quản lý Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột) tâm tình. Điểm nhấn của chương trình không phải nằm ở quy mô mà nằm ở sự kết nối. Chính sự kết nối này đã tạo nên phong trào để lan tỏa văn hóa đọc đến với mỗi người và toàn xã hội.

Cũng tại chương trình, Ban tổ chức tiếp tục phát động  phong trào thu gom sách cũ để ủng hộ dự án “Thư viện về buôn” của Ban Quản lý Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột, nhằm huy động nguồn sách trao tặng cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 dành cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh cũng được phát động để tiếp tục lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc tới cộng đồng, đặc biệt là với học sinh, sinh viên.

Các gian hàng sách được trưng bày tại chương trình.
Các gian hàng sách được trưng bày tại chương trình.

Ông Nguyễn Ngọc Tý – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sự kiện Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã, đang trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, văn minh của những người yêu mến sách báo. Vì vậy hy vọng mọi người sẽ hưởng ứng mạnh mẽ bằng các hành động thiết thực như: Mỗi ngày đọc vài trang sách, mỗi tuần đọc một cuốn sách; tôn vinh việc xây dựng các tủ sách gia đình, dòng họ, những tấm gương tiêu biểu về lòng say mê đọc sách; tổ chức quyên góp sách ủng hộ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Ngọc Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.