Tân Tiến lồng ghép hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo
Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) đã quan tâm chỉ đạo, lồng ghép các nguồn vốn, triển khai có hiệu quả các chương trình, hoạt động hỗ trợ hộ nghèo trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Là một trong ba buôn đặc biệt khó khăn của xã Tân Tiến, thời gian qua, buôn Ea Drai đã được Nhà nước, địa phương quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ cho người dân. Buôn Ea Drai hiện có 127 hộ, 545 khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Năm 2016, toàn buôn có 73 hộ nghèo, cuộc sống của người dân rất khó khăn, một số hộ bị đói giáp hạt.
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Ea Drai Trương Bá Thanh, để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, buôn đã rà soát, nắm tình hình hộ nghèo, giao các đoàn thể có hướng giúp đỡ và đề xuất UBND xã hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều hoạt động, chương trình giảm nghèo bền vững đã được triển khai tại buôn như: làm hơn 4,5 km đường bê tông, xây trường mẫu giáo, hỗ trợ 16 con bò, 2 con dê cho hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, cứu đói giáp hạt, cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng 16 căn nhà và 73 công trình vệ sinh... Thay vì ỷ lại hoàn toàn vào Nhà nước, các đối tượng thụ hưởng đã bỏ vốn đối ứng để mua con giống, làm nhà nên có trách nhiệm vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, đến cuối năm 2020, toàn buôn chỉ còn 33 hộ nghèo.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi và được hỗ trợ, anh Ai Ka Rông ở buôn Ea Drai đã có điều kiện xây dựng nhà ở. |
"Việc lồng ghép và kịp thời triển khai thực hiện các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã tạo “đòn bẩy” để hộ nghèo, cận nghèo xã Tân Tiến vươn lên. Điều đáng vui mừng hơn cả là phần lớn các hộ nghèo, cận nghèo đã giảm dần tư tưởng trông chờ ỷ lại mà biết tận dụng nguồn lực hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo".
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Y Yik Byă
|
Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Ai Ka Rông (dân tộc Vân Kiều). Năm 2010, anh Ai Ka Rông lập gia đình, không có tài sản gì ngoài mảnh đất bố mẹ chia cho để dựng tạm căn nhà gỗ để ở. Khi hai con lần lượt ra đời, cuộc sống quá khó khăn, vợ anh phải đi làm công nhân giày da ở TP. Hồ Chí Minh. Căn nhà gỗ cũ ngày càng xuống cấp, chật chội nhưng gia đình chưa có điều kiện sửa chữa. Chia sẻ khó khăn đó, cuối năm 2020, từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và Quỹ Vì người nghèo của MTTQVN xã, gia đình anh được hỗ trợ 9,5 triệu đồng, cộng thêm 25 triệu đồng vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà 167.
Không chỉ gia đình Ai Ka Rông, ở xã Tân Tiến còn rất nhiều hộ khó khăn đã được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Từ nguồn vốn của Chương trình 135, xã Tân Tiến đã được đầu tư xây dựng 9 công trình giao thông với tổng nguồn vốn gần 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ 47 con bò giống và 2 con dê giống cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã còn được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 20 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 29 căn nhà 167 giai đoạn 2 với tổng nguồn vốn trên 1,23 tỷ đồng. Ủy ban MTTQVN xã cũng đã hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Hộ nghèo, cận nghèo của xã còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí...
Người dân buôn Ea Drai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. |
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Y Yik Byă cho biết: Hộ nghèo, cận nghèo của xã chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở 3 buôn đặc biệt khó khăn gồm: Ea Drai, Ea Drai A và Kplang. Để hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hằng năm UBND xã căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất, lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án thực hiện giảm nghèo, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân cùng tham gia, đối ứng vốn thực hiện. Các hội, đoàn thể cũng có nhiều mô hình hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 22,23% năm 2016, xuống còn 4,69% năm 2020.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc