Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả tích cực từ Dự án "Save Children"

08:15, 05/05/2021

Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk” (Save Children - gọi tắt là SC) được triển khai thực hiện tại hai huyện Krông Bông và Lắk từ tháng 3-2017 đến tháng 4-2021 đã mang lại hiệu quả, từng bước thay đổi hành vi về chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cộng đồng dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực thực hành, tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cán bộ y tế cơ sở.

Một trong những chuyển biến rõ nét là việc thành lập đơn nguyên sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Lắk và Krông Bông. Trước đây, đơn nguyên sơ sinh tại hai đơn vị này đã được thành lập song thực tế chưa đi vào hoạt động do cán bộ y tế chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc sơ sinh, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sơ sinh gần như không có. Do đó, những trẻ sơ sinh bệnh lý được sinh ra tại Trung tâm Y tế huyện Lắk và Krông Bông đều do khoa ngoại sản phụ trách chăm sóc.

Ngay sau khi Dự án SC triển khai tại địa phương, đơn nguyên sơ sinh tại hai huyện đã được nâng cấp theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế; cán bộ phụ trách đơn nguyên sơ sinh được đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng trong chăm sóc trẻ sơ sinh bệnh lý, như: kỹ năng hồi sức sơ sinh, chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân, chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp Kăng-gu-ru…

Đồng thời các trang thiết bị phục vụ chăm sóc trẻ sơ sinh được đầu tư trang bị, như: bóp bóng ambu sơ sinh, bộ đặt nội khí quản sơ sinh, giường sơ sinh, giường sưởi sơ sinh, thiết bị chiếu vàng da hai mặt, máy tạo oxy khí trời, máy đo đường huyết tại giường, bơm tiêm điện, máy truyền dịch tự động, cân sơ sinh, bình oxy, máy đo độ bão hòa oxy, máy hút dịch sơ sinh…

Diễn tập vận chuyển cấp cứu bệnh nhân tại thôn Cư Dhiắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông.   Ảnh: Quang Nhật
Diễn tập vận chuyển cấp cứu bệnh nhân tại thôn Cư Dhiắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông. Ảnh: Quang Nhật

Nhờ vậy, số trẻ sơ sinh được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk và Krông Bông tăng gần 60% so với thời điểm chưa triển khai Dự án SC. Cụ thể, nếu năm 2017, các đơn vị điều trị bệnh lý cho 164 trẻ sơ sinh thì năm 2020 đã điều trị cho 286 trường hợp. Đặc biệt, tỷ lệ chuyển tuyến trẻ sơ sinh giảm rõ rệt, từ 154 trẻ sơ sinh phải chuyển lên tuyến trên điều trị năm 2017 đã giảm còn 21 trẻ vào năm 2020. Bác sĩ Phạm Phú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết: “Trước đây, khi đơn nguyên sơ sinh chưa đi vào hoạt động, Trung tâm Y tế huyện Lắk chỉ có thể điều trị những trường hợp vàng da sinh lý, chăm sóc những trẻ có cân nặng từ 2.200 gr trở lên, không suy hô hấp nặng và có thể bú mẹ, nhiễm trùng sơ sinh nhẹ… Còn hiện nay, Trung tâm đã có thể tiếp nhận điều trị, chăm sóc thêm những trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý, nhiễm khuẩn đường hô hấp, hạ thân nhiệt, hồi sức sơ sinh, đặt nội khí quản sơ sinh. Đặc biệt, 100% trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân được giữ lại Trung tâm điều trị, điều mà trước đây chưa từng áp dụng tại một bệnh viện tuyến huyện”.

Song song với việc hỗ trợ nâng cấp đơn nguyên sơ sinh, tại 25 trạm y tế xã, thị trấn của hai huyện, Dự án SC cũng đã hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; tổ chức 20 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho hàng trăm cán bộ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh về cấp cứu sản khoa, sơ sinh, chăm sóc sơ sinh, kỹ năng tư vấn và kỹ năng truyền thông… Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành đúng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh như: in ấn tờ rơi, pa nô, áp phích, đĩa CD và cấp phát cho đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện nhằm hướng dẫn chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh; chăm sóc trẻ sơ sinh; lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ; sự cần thiết khi khám thai định kỳ; các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và trẻ sơ sinh…; tổ chức gần 2.500 buổi thảo luận nhóm tại cộng đồng; 41.352 lượt thăm hộ gia đình…

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân chăm sóc thai kỳ trong một buổi truyền thông lưu động tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Ảnh: Quang Nhật
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân chăm sóc thai kỳ trong một buổi truyền thông lưu động tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Ảnh: Quang Nhật

Dự án SC cũng đã thành lập thí điểm 4 đội chuyển tuyến tại 4 thôn, buôn của hai huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, khó tiếp cận, cách xa cơ sở y tế nhằm kịp thời hỗ trợ y tế, sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến an toàn cho những trường hợp cần cấp cứu. Mô hình bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2019, mỗi đội chuyển tuyến có từ 6 - 8 thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm trong thôn, buôn; được cấp trang thiết bị thiết yếu, như: cáng, võng, đèn pin, túi cứu thương, áo mưa… và kinh phí 5 triệu đồng (dùng hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn); đồng thời được tập huấn về kỹ năng và năng lực sơ cứu, cấp cứu, chuyển tuyến an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Từ khi thành lập đến nay, đã có 37 trường hợp được chuyển tuyến an toàn đến cơ sở y tế.

Theo kết quả khảo sát cuối Dự án SC, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ khám thai của y tế công tăng từ 57,7% năm 2017 lên 66,3% năm 2020; tỷ lệ phụ nữ được khám thai tối thiểu 3 lần với đủ các quy trình tăng 25% so với khảo sát ban đầu; giảm tỷ lệ sinh đẻ tại nhà từ 12,4% năm 2017 xuống còn 3,1% năm 2020…

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.