Huyện Krông Bông: Linh động, sáng tạo trong phát triển BHXH tự nguyện
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp, từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Krông Bông vẫn tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phát triển BHXH tự nguyện.
"Mưa dầm thấm lâu"
Tham gia làm đại lý thu BHXH, BHYT chưa lâu, song với sự uy tín, khéo léo trong tuyên truyền, vận động, đến nay, anh Lê Văn Tám, đại lý thu BHXH, BHYT của UBND xã Cư Kty đã vận động được hơn 120 người trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện.
Anh Tám chia sẻ, sau khi tham gia hội nghị tập huấn cho đội ngũ đại lý, nghe cán bộ BHXH huyện giải thích về chính sách BHXH, thấy được những lợi ích thiết thực, anh bắt tay vào tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tham gia.
Theo đó, ngoài việc phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt hội viên, anh còn tranh thủ đến từng hộ để tuyên truyền. "Mưa dầm thấm lâu", qua tuyên truyền của anh, nhiều người dân trên địa bàn đã nhận thấy lợi ích thiết thực nên chọn tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và người nhà. Cứ thế, khi thấy người này tham gia, những người khác ở gần đó cũng tham gia theo.
Anh Lê Văn Tám, đại lý thu BHXH, BHYT của UBND xã Cư Kty vận động người dân trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện (hình ảnh chụp trước ngày 27-4). |
Đơn cử như trường hợp của bà Lê Thị Bích (thôn 1, xã Cư Kty), 4 năm trước khi nghe tuyên truyền nhận thấy lợi ích của BHXH tự nguyện sẽ giúp bản thân có một khoản tài chính cố định để lo cho cuộc sống khi tuổi về già, bà đã chọn tham gia loại hình này. Không những thế, bà còn là một tuyên truyền viên tích cực vận động người thân, anh chị em trong gia đình cùng tham gia để ai cũng có một khoản thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động. Hay như chị Nguyễn Thị Lý (thôn 4, xã Cư Kty), cả hai vợ chồng chị đều làm nông, cuộc sống cũng không dư giả lắm nhưng chị vẫn chọn tham gia BHXH tự nguyện thay “của để dành”. Chị Lý chia sẻ, với nhà nông thì thu nhập chỉ trông chờ vào mùa vụ, nên khi tham gia BHXH tự nguyện chị cũng chọn đóng phí theo mùa, mỗi năm đóng 2 lần vào mùa lúa và mùa cà phê, mỗi năm dành dụm một ít, để về già đỡ đần cho con cháu.
Còn với anh Trần Minh Đức (thôn 4, xã Cư Kty) thì ngay khi được anh Tám tuyên truyền về BHXH tự nguyện, anh thấy tham gia loại hình này rất có lợi vì không chỉ khi về già anh sẽ có một khoản chi phí để sinh hoạt hằng tháng, được cấp BHYT khám chữa bệnh mà ngay cả khi "nhắm mắt xuôi tay" cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền mai táng phí để đỡ một phần cho con cháu.
Linh hoạt các giải pháp mở rộng đối tượng
Kinh nghiệm từ xã Cư Kty cho thấy, để chính sách BHXH tự nguyện đến gần với người dân, một trong những cách làm đạt hiệu quả của BHXH huyện Krông Bông là phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã bám sát người dân để vận động, tuyên truyền. Đồng thời thay đổi hình thức tuyên truyền, không nhất thiết phải tổ chức hội nghị đông người mà linh hoạt hơn là tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ theo hộ gia đình, hoặc tiếp cận trực tiếp đến hộ gia đình.
Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của việc phát triển hệ thống đại lý thu - “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH, ông Trần Văn Huy, Giám đốc BHXH huyện Krông Bông cho biết, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến kiến thức cơ bản về chế độ, chính sách cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp về kỹ năng tuyên truyền, tinh thần trách nhiệm, nghệ thuật giao tiếp đối với các gia đình để các đại lý chủ động tư vấn, vận động nhân dân tham gia chính sách này. Cùng với đó, hằng tháng, BHXH huyện đều tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; đưa ra các giải pháp mới cho việc thực hiện nhiệm vụ; động viên, khen thưởng kịp thời những đại lý thực hiện tốt nhiệm vụ và hỗ trợ những đại lý chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, cơ quan BHXH huyện Krông Bông còn học tập kinh nghiệm mô hình hay từ địa phương, đơn vị bạn để xây dựng đề án đề xuất huyện hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cho cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố và đưa ra mức hợp lý để vừa có sự đóng góp của người tham gia, vừa có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương. Ông Trần Văn Huy, Giám đốc BHXH huyện Krông Bông cho biết thêm, trong đề án này, đối tượng hỗ trợ ban đầu sẽ là bí thư chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố. Theo lộ trình tiếp theo sẽ là trưởng thôn, buôn, tổ dân phố rồi đến cán bộ Mặt trận của thôn, buôn… Nếu đề án này được HĐND huyện thông qua sẽ đảm bảo được tính nhân văn, an sinh xã hội trên địa bàn huyện và là cầu nối để mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương.
Năm 2021, BHXH huyện Krông Bông được BHXH tỉnh giao phát triển 1.080 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4-2021, đơn vị đã vận động được gần 750 đối tượng tham gia, đạt khoảng 69% so với chỉ tiêu đề ra. |
Tuyết Oanh
Ý kiến bạn đọc