Tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên cả nước, khi số lượng bệnh nhân mắc mới tăng cao mỗi ngày, ngành y tế tỉnh đã chủ động tăng cường năng lực công tác điều trị nhằm đáp ứng với nguy cơ gia tăng số ca bệnh và bệnh nhân nặng có thể xảy ra trên địa bàn.
Dồn lực điều trị bệnh nhân nặng
Tính tới ngày 27-5, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 gồm bệnh nhân 3237, 3334 và 3836. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, các bệnh nhân được đưa tới điều trị cách ly tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh – nơi được trưng dụng thành bệnh viện điều trị COVID-19.
Trong đó, bệnh nhân 3836 (bệnh nhân được Bộ Y tế khẳng định vào ngày 15-5-2021, là F1 của bệnh nhân 3052 ở Thuận Thành, Bắc Ninh) do nhiễm biến thể COVID-19 của Ấn Độ nên tình trạng sức khỏe có những biến chứng bất thường.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế, sau khi nhập viện điều trị, bệnh nhân 3836 có biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu và phải thở máy không xâm nhập, duy trì kháng sinh, chống đông, lọc máu hấp thụ…
Hội chẩn trực tiếp về điều trị COVID-19 giữa đầu cầu Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh với Tiểu ban điều trị COVID-19 quốc gia. |
Ngay sau khi ghi nhận những biến chứng của bệnh nhân 3836, ngày 21-5, Sở Y tế đã điều động 3 ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kèm theo trang thiết bị máy móc chi viện cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân. Những ngày sau đó, tình hình sức khỏe bệnh nhân không có dấu hiệu tốt lên, Sở Y tế tiếp tục có văn bản báo cáo Bộ Y tế, Bộ đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy điều một ê kíp gồm 2 bác sĩ, một kỹ thuật viên, một chuyên gia về máy ECMO lên Đắk Lắk tham gia cùng với các ê kíp điều trị của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tích cực điều trị cho bệnh nhân. Song song đó, hằng ngày, Sở Y tế cũng cập nhật tất cả thông số, chỉ số của bệnh nhân cho Tiểu ban điều trị COVID-19 quốc gia để hội chẩn. Từ công tác điều trị thực tế và ý kiến đề xuất của các chuyên gia đầu ngành, các y bác sĩ tiếp tục đưa ra phương án để điều trị cho bệnh nhân.
Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã đem lại hiệu quả tích cực. Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, tính đến chiều 27-5, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 3836 đã có chuyển biến tích cực. Các thông số, chỉ số ổn định, bệnh nhân đã ngưng lọc máu, giảm thuốc an thần. Các bác sĩ đang xem xét cho bệnh nhân cai máy thở. Dự kiến trong 2 ngày tới bệnh nhân sẽ được rút nội khí quản cho thở tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh nhân 3836 có nguy cơ nhiễm trùng cao, do đó, các bác sĩ chăm sóc và điều trị sẽ tiến hành từng bước rất thận trọng, tích cực chăm sóc và theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân để có hướng điều trị phù hợp.
Biến khó khăn thành cơ hội trau dồi kỹ năng
Mặc dù là đợt thứ 2 tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 (tháng 8-2020, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tiếp nhận và điều trị thành công 3 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được ghi nhận trên địa bàn khi đợt dịch thứ 2 bùng phát), song đây là lần đầu tiên ngành y tế tỉnh đối diện với tình trạng bệnh nhân COVID-19 biến chứng nặng. Dù ở trong tình huống hết sức khó khăn khi trang thiết bị, máy móc còn thiếu thốn, đội ngũ y bác sĩ chưa có kinh nghiệm, nhưng ngành y tế đã chủ động quyết định phương án điều trị tại chỗ đối với trường hợp bệnh nhân COVID-19 biến chứng nặng, nguy kịch với phương châm “4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ).
Trang thiết bị y tế được điều chuyển từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. |
Bác sĩ chuyên khoa II Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, ngoài nguồn nhân lực là các bác sĩ tại chỗ, ngành y tế tỉnh còn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Bệnh viện Chợ Rẫy (nơi đã điều trị thành công nhiều trường hợp mắc COVID-19 biến chứng nặng, nguy kịch) và liên tục được các chuyên gia đầu ngành của quốc gia có những ý kiến chỉ đạo trực tiếp trong điều trị bệnh nhân 3836. Đây được xem là cơ hội để các y bác sĩ của tỉnh tiếp cận, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn. Dự kiến diễn tiến của bệnh nhân còn kéo dài, đòi hỏi thời gian, trí tuệ, sức lực, do đó, trong các buổi hội chẩn cũng như làm việc cùng chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngành cũng cử các ca, kíp cầm tay học việc, trau dồi kỹ năng để đáp ứng công tác điều trị COVID-19.
Ngày 26-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có Công điện số 749/CĐ-BCĐQG gửi UBND và Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu đặc biệt là máy thở, hệ thống ô-xy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. |
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc