Triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến lược vắc xin
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 24-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận nhiều nội dung mới, quan trọng về nhiệm vụ phòng, chống dịch trong bối cảnh mới.
Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng, chống dịch trong khu công nghiệp; thực hiện bằng được chiến lược vắc xin theo tinh thần thần tốc hơn nữa, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch lần thứ tư diễn biến phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước, xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm, cùng sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn.
Tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số ca mắc cao, xảy ra tại khu công nghiệp và lây lan ra cộng đồng. Các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương này đang từng bước được kiểm soát. Các trường hợp ca bệnh hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có thể xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng thời gian tới.
Tỉnh Đắk Lắk triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Kim Hoàng |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tuần qua, chúng ta tập trung bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Thủ tướng cũng biểu dương một số bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bầu cử thành công.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, khắc phục như: Còn lúng túng, bị động trong phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp; phương châm “4 tại chỗ” được chỉ đạo quyết liệt nhưng trong tổ chức thực hiện vẫn bộc lộ bất cập; quản lý cách ly và sau cách ly vẫn còn có sơ hở, thiếu chặt chẽ. Một số văn bản hướng dẫn, nhất là hướng dẫn tổ chức thực hiện, chưa theo kịp, chưa phù hợp với thực tiễn; trong tình hình đặc biệt đòi hỏi phải có biện pháp, cách làm đặc biệt, giảm thủ tục hành chính. Bên cạnh những địa phương rất sáng tạo, chủ động, linh hoạt, có biện pháp phù hợp với tình hình thì một số địa phương còn lúng túng, bị động.
Nhận định dịch COVID-19 tiếp tục khó lường, khó kiểm soát, Thủ tướng chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện một số công việc như: khẩn trương sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về những việc đã làm được, những khó khăn cần tháo gỡ; bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện thành công hai mục tiêu “vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả".
Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vắc xin ngừa COVID-19 gồm: nhanh chóng tiếp cận các nguồn để mua vắc xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin; có kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp theo từng giai đoạn, đối tượng ưu tiên; chi tiêu hợp lý để dành ngân sách phù hợp cho chiến lược vắc xin; nghiên cứu xây dựng Quỹ vắc xin để huy động các nguồn xã hội hóa cho chiến lược vắc xin, trong đó phải công khai, minh bạch, khách quan cả hình thức quyên góp, ủng hộ và sử dụng quỹ này.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống dịch COVID-19; tập trung kiểm soát tốt tình hình tại các khu công nghiệp; rà soát các quy trình, quy chế về khai báo, cách ly, tổ chức sản xuất tại các khu công nghiệp; các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, phòng chống dịch hiệu quả.
Các ngành, địa phương cần phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp; thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác, truyền cảm hứng cho người dân để tham gia phòng, chống dịch hiệu quả; huy động sự vào cuộc và đóng góp của nhân dân trong phòng, chống dịch trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân thụ hưởng”. Các bộ, ngành, địa phương cần năng động, sáng tạo hơn nữa, căn cứ tình hình thực tiễn quyết định các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả...
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc