Bài học ngoài sách vở
Ba mất khi tôi còn đang thơ dại. Vì thế nên mẹ và bà nội là hai người phụ nữ đã nuôi nấng, chăm sóc mấy anh em tôi.
Nhà làm nông nên cả ngày mẹ phải tảo tần làm lụng ngoài đồng. Suốt những năm tháng học phổ thông, trừ những lúc đến trường, tôi thường luôn ở nhà với bà nội. Là anh cả nên ngoài thời gian học bài tôi thường phụ giúp nội làm việc nhà.
Quê hương tôi ở miền Trung nên hết nắng lửa gió Lào lại triền miên bão lụt. Vì vậy, cũng như bao người dân quê khác sống trên dải đất thiên nhiên khắc nghiệt này, nội luôn chắt chiu dành dụm từng hạt lúa, củ khoai để phòng khi mất mùa, giáp hạt. Bởi thế, có lần ăn cơm gạo cũ, nghe đứa em tôi than “cơm dở quá”, nội liền nổi giận mắng: “Răng lại nói rứa! Gạo là hạt ngọc trời, không được chê. Không có cơm mà ăn thì đói vàng mắt!”.
Ảnh: Internet |
Là người vốn tính cẩn thận, chỉn chu nên khi mấy anh em tôi làm việc gì nội cũng chỉ bày cặn kẽ. Chẳng hạn, quét nhà thì phải quét cho thật sạch; sách vở phải xếp ngăn nắp gọn gàng; áo quần giặt xong khi phơi phải rũ thẳng và lộn trái để đỡ bị phai màu... Nếu đứa nào làm qua loa, không đến nơi đến chốn thì thế nào cũng bị nội rầy la bắt làm lại. Các đồ dùng, vật dụng trong nhà phải để một nơi cố định, không được nay để chỗ này mai chỗ khác. Nội bảo rằng: có như vậy thì nếu nửa đêm mưa gió tắt đèn vẫn biết cái mình cần tìm đang nằm ở đâu để mà lấy… Mấy anh em tôi đều là con trai, lại tính ham chơi nên thường hay làm cho xong việc mà không có sự chú tâm. Mỗi lần như vậy chúng tôi lại bị nội la mắng. Những lúc ấy anh em tôi lại nhăn nhó và thầm nghĩ: sao bà nội của mình khó tính vậy!
Không biết chữ nhưng nội lại là người thuộc nhiều câu tục ngữ, thành ngữ dân gian và hay dùng những đúc kết ấy để dạy bảo chúng tôi. Những lời khuyên răn ấy là bài học vỡ lòng mà chúng tôi nhận được từ bà nội về đức tính cẩn thận, cần cù, biết quý trọng thành quả lao động, cũng như biết học cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.
Ai đó đã từng nói: Tính cách là những thói quen lâu ngày. Theo thời gian, anh em tôi cứ “ngấm” dần và không biết từ lúc nào đã làm theo những lời chỉ dạy của nội như một lẽ tự nhiên. Khi đã khôn lớn, chúng tôi mới thấu hiểu được rằng, bà nội không phải là người khó tính như mình từng nghĩ. Bởi vì yêu thương nên nội muốn uốn nắn, dạy dỗ chúng tôi từ lúc còn nhỏ dại để luyện rèn, hình thành nên những phẩm chất, đức tính sau này.
Nội đã thành người thiên cổ. Nhưng những lời khuyên dạy của nội vẫn ở lại với cõi nhân gian này, lưu giữ vẹn nguyên trong tâm khảm anh em chúng tôi dù giờ đây tóc đã pha sương. Đó là những bài học giáo huấn không hề có trong sách vở, giáo trình và với chúng tôi đã trở thành hành trang mang theo suốt cả cuộc đời!
Quang Ánh