Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Kỳ vọng làm "sạch" môi trường mạng
Thông tin về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và có hiệu lực từ ngày 17-6-2021 khiến nhiều cư dân mạng vô cùng vui mừng với hy vọng từ nay mạng xã hội sẽ bớt “rác” hơn và trở lại đúng với mục đích của nó là kết nối mọi người thay vì kích động, chia rẽ, “bóc phốt”, chửi bới nhau một cách bát nháo như hiện tại.
Tôi có một cô làm cùng cơ quan rất “đặc biệt”. “Đặc biệt” là bởi vì cô rất chịu khó cập nhật thường xuyên đủ loại tin tức từ mạng xã hội, từ Facebook Sọ Dừa cô chê trách con vợ hám tiền lợi dụng anh chàng bệnh xương thủy tinh đến chuyện bà Hằng livestream “bóc phốt” nghệ sĩ khiến cô thấy hả hê vì “H.L. phen này chết chắc, đi tù chứ chẳng chơi”! Sáng sớm ra vừa đến cơ quan là tôi lại được nghe cô kể đủ mọi loại tin tức mà cô vừa cập nhật được. Trong lời kể của cô tôi thấy có sự háo hức, phấn khích, thậm chí cả sự hả hê khi có ai đó bị hạ bệ. Cho dù tôi chỉ hờ hững hồi đáp một cách miễn cưỡng “dạ, vậy à?; thế à?...” nhưng cô vẫn say sưa kể như thể tôi đang háo hức nghe.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội giúp chúng ta hy vọng sẽ có môi trường mạng trong sạch hơn, tránh những hội nhóm "anti", bình luận tiêu cực trên mạng. Ảnh: Internet |
Cô không phải là trường hợp ngoại lệ trong thời buổi người người làm youtuber, nhà nhà say sưa hóng người khác “bóc phốt” và chửi bới. Nhưng chúng ta còn lại gì và được gì sau khi chứng kiến những màn chửi bới trên mạng xã hội? Phải chăng sự hả hê khi thấy ai đó vốn được ngợi khen nay bỗng dưng bị tung hê mọi khuyết điểm, tật xấu thậm chí là bị đào bới chuyện quá khứ từ hồi nảo hồi nao? Hóa ra sau ánh hào quang của “thần tượng” cũng có không ít bóng tối. Hóa ra bà A, ông B nọ cũng chẳng tốt đẹp gì hơn ta! Và con trẻ học được gì khi bố mẹ chúng thích nghe người khác chửi nhau bằng những lời lẽ thô tục? Hay chúng cũng sẽ vô thức học cách chửi bới cho vui, cho nổi tiếng như bà A, ông B nọ? Hoặc lũ trẻ sẽ hồn nhiên thần tượng các giang hồ mạng – những kẻ cổ súy cho bạo lực vì “tình huynh đệ” kiểu như Khá Bảnh hay Huấn Hoa Hồng một thời? Mạng xã hội bỗng dưng thành một nỗi ám ảnh cho những ai chỉ muốn dùng nó làm nơi để kết nối bạn bè, chia sẻ những điều tích cực bởi đủ mọi loại “rác” ở đâu cứ nhảy bổ vào.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội áp dụng đối với ba nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Bộ quy tắc này quy định cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...
Công dân có quyền tự do ngôn luận, có quyền khen người tốt, lên án những việc làm sai nhưng không có quyền chửi bới, xúc phạm hay vu khống người khác. Ngoài tòa án, không một tổ chức hay cá nhân nào có quyền kết tội người khác. Bởi vậy, cư dân mạng phải hết sức tỉnh táo đừng vì những lời khích động của những người giấu mặt rồi từ chỗ ý định ban đầu chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin để dư luận hiểu đúng về bản chất một sự việc nào đó bỗng dưng được tâng bốc nên tự cho mình quyền là “người phán xử”. Khi ta ảo tưởng về việc làm của mình, say sưa với những lời khen, tung hô của cộng đồng mạng thì việc phê bình người khác biến thành xúc phạm, vu khống chỉ trong chớp mắt. Đến lúc nhận ra mình sai rồi thì mạng ảo nhưng hậu quả thật đã xảy ra, mình vô tình đã hành xử theo luật rừng trên mạng. Luật An ninh mạng đã có, Bộ Quy tắc ứng xử cũng đã ban hành, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm những vi phạm để mạng xã hội không bát nháo!
Bình An