Chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh.
Nhiều mô hình hay, hiệu quả
Được sự hỗ trợ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2019 tỉnh đã triển khai Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” tại 8 xã của huyện Ea Kar.
Theo đó, các ngành chức năng, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn phòng chống đuối nước trẻ em cho phụ huynh, học sinh, giáo viên; tổ chức 40 lớp dạy bơi an toàn cho 800 trẻ em; tập huấn chuyên sâu về bơi lội cho giáo viên thể dục, huấn luyện viên; lắp đặt 32 biển cấm, biển báo tại 12 hồ, suối trên địa bàn huyện. Trong năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai dự án trên tại 8 xã của huyện Ea Kar và mở rộng thêm 3 xã, thị trấn ở huyện Cư M’gar.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp tổ chức khám sàng lọc bệnh cơ, xương, khớp cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. |
"Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, mỗi gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và mạnh dạn lên tiếng tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh” .
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh
|
Thực hiện Luật Trẻ em và phát huy các quyền của trẻ em, những năm qua, Hội LHPN tỉnh và các cấp hội đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn về “Phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em gái, “Lắng nghe trẻ em nói”, “Lời em muốn nói”; xây dựng, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ “Gia đình nuôi dạy con tốt”, “Người cha tốt của con”, “Mẹ và con gái”, “Phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tỉnh Hội và các cấp hội đã xây dựng trang Tư vấn pháp luật miễn phí và thành lập 67 tổ tư vấn cộng đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.900 câu lạc bộ trẻ em, thu hút 15.200 trẻ có năng khiếu tham gia, thúc đẩy các em phát huy quyền trẻ em, trải nghiệm kỹ năng sống và bày tỏ ý kiến bản thân. Các sở, ngành, đoàn thể đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều mô hình, hoạt động hữu ích cho trẻ em như: “Điều em muốn nói”, “Một ngày trải nghiệm”, “Học kỳ quân đội”, “Trại hè huấn luyện lãnh đạo trẻ tương lai”, các diễn đàn trẻ em cấp tỉnh...
Cần cộng đồng chung tay
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Cơ sở vật chất trường học, y tế, khu vui chơi cho trẻ em đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho trẻ em được thụ hưởng về giáo dục, y tế tốt hơn...
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong số khoảng 500.000 trẻ em toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 5.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 104.400 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh có 5.579 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 517 em tử vong, riêng tử vong do đuối nước có 306 em. Trong 5 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 33 trẻ em bị đuối nước.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, nhà tài trợ và chính quyền địa phương bàn giao nhà Tình thương cho trẻ mồ côi tại huyện Krông Ana. |
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Phượng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận trẻ em thuộc gia đình nghèo, cha mẹ di cư ngoài kế hoạch, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa tiếp cận được các chính sách, dịch vụ giáo dục, y tế, pháp lý. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi còn cao, năm 2020 chiếm 31%. Nhiều địa phương chưa chú trọng đúng mức đến việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Các điểm vui chơi, thiết chế văn hóa, thể thao chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ. Nguồn kinh phí cấp cho việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế.
Theo Phó Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Đá, để triển khai, thực hiện đầy đủ, toàn diện quyền trẻ em, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng. Lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cần tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến của trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy công chức làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; đầu tư xây dựng các điểm, khu vui chơi giải trí cho trẻ em; nhân rộng các dự án phòng, chống đuối nước trẻ em, các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc