Multimedia Đọc Báo in

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật

17:16, 10/06/2021

Ngày 8-6, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật.

Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh Dại tại 10 tỉnh, thành phố và trên 140.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh Dại. Trên động vật, qua công tác giám sát chủ động, đã phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Dại tại 6 tỉnh (bao gồm: Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đắk Nông).

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh Dại (1 trường hợp tại TP. Buôn Ma Thuột và 2 trường hợp tại huyện Ea H’leo). Qua công tác giám sát chủ động trên động vật, đã phát hiện 3 trường hợp chó có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Dại tại 3 địa phương (gồm Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Đôn).

Nguyên nhân chính là do công tác quản lý đàn chó, mèo còn lỏng lẻo, chưa tốt, người nuôi chó mèo không chấp hành việc nuôi nhốt, chó thả rông cắn người tiếp tục xuất hiện, gây bức xúc cho cộng đồng; việc tiêm phòng Dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp so với tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng của địa phương (tỷ lệ tiêm vắc xin đạt dưới 30%); chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó, mèo nuôi, về tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế nêu trên và đặc biệt để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, giảm thiểu số người bị tử vong do bệnh Dại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó, mèo; phòng, chống bệnh Dại theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 7-9-2020 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh xảy ra trên động vật và gây bệnh trên người.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê chính xác và báo cáo số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, từng xã, huyện; yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc xích, nhốt, rọ mõm cho chó theo quy định; lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại, trước ngày 12-6-2021. Đồng thời chủ động phối hợp với Sở Y tế và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo nghi mắc bệnh Dại; tổ chức triển khai thực hiện tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định (70% tổng đàn); thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng chó, mèo thuộc diện tiêm phòng; thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại tại các xã, phường, thị trấn; triển khai truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại …

Kim Oanh 

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.