Trợ lực để phụ nữ khởi nghiệp (kỳ 3)
Đa dạng hóa cách thức, nguồn lực hỗ trợ
Nắm bắt tình hình thực tế, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có những cách làm hiệu quả nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo, phát huy thế mạnh, sở trường của hội viên và tạo cơ hội tốt nhất để phụ nữ vươn lên.
Chắp cánh ý tưởng
Thực tế trong 4 năm qua, nhu cầu khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh của phụ nữ ở tỉnh Đắk Lắk tăng nhanh, nhiều chị em có định hướng rõ ràng cho việc kinh doanh của mình, tạo thu nhập phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động nữ, góp phần cùng địa phương thực hiện giảm nghèo.
Đơn cử tại Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2021, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 174 ý tưởng, dự án đăng ký dự thi, trên nhiều lĩnh vực khác nhau; đối tượng tham gia cũng rất đa dạng, từ chủ doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết đến chủ hộ kinh doanh/khởi sự kinh doanh, các hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Trải qua vòng Tuyển chọn, 41 dự án đáp ứng tiêu chí của cuộc thi đã được chọn vào vòng Lan tỏa và được tham gia khóa tập huấn hướng dẫn kỹ năng xây dựng, hoàn thiện kế hoạch kinh doanh và thiết kế clip, poster quảng bá dự án khởi nghiệp; kỹ năng phát triển dự án khởi nghiệp dựa trên những thế mạnh của bản thân và quan sát nhu cầu thị trường.
Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ được trưng bày, giới thiệu tại Điểm kết nối nông sản chất lượng cao. |
Các thí sinh đã tận dụng triệt để thế mạnh từ sản phẩm ở địa phương như quả bơ, cà phê, ca cao, sa chi, dược liệu,... để chế biến chuyên sâu, cho ra nhiều sản phẩm mang lại giá trị cao hơn. Đã có 5/11 dự án tham gia vòng Chung kết và được nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh.
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ hỗ trợ ít nhất 1.200 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; thành lập 8 hợp tác xã/tổ hợp tác do phụ nữ quản lý và 20 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
|
Là thí sinh khuyết tật duy nhất tham dự cuộc thi, đồng thời cũng là một trong 5 thí sinh có dự án nhận được sự hỗ trợ, chị H’Yar Kbuôr (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) chia sẻ: “Khởi nghiệp với nhiều khó khăn nên tôi rất vui mừng khi dự án "Dệt thổ cẩm và may trang phục truyền thống" của mình được đánh giá cao. Đây là động lực giúp tôi thêm tự tin tiếp tục xây dựng và mở rộng dự án để vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều chị em tại địa phương”.
Vận động, tập trung các nguồn lực
Để tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hội cơ sở cũng vận động phụ nữ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa từ các sản phẩm chủ lực của địa phương, đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hướng đến mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm”...
Trước những khó khăn trong triển khai đề án, Hội đã tận dụng triệt để các nguồn vốn vay cho phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp như: nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do Trung ương Hội LHPN Việt Nam ủy quyền; hỗ trợ các mô hình sinh kế, cây, con giống thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ”…
Trao giải cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc tại Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2021. |
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm định hướng chị em khởi nghiệp hiệu quả. Trong đó, chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” hằng năm là hoạt động nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, tạo động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình; đồng thời là dịp để hội viên, phụ nữ gặp gỡ giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã hỗ trợ hơn 3.200 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số vốn trên 45 tỷ đồng. Trong đó, thông qua chương trình thẩm định trực tiếp tại các Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp đã có trên 50 ý tưởng khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ vốn, với mức từ 30 - 400 triệu đồng cho 1 ý tưởng. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk còn ký kết chương trình phối hợp giới thiệu, kết nối sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ thông qua Điểm kết nối nông sản chất lượng cao nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ tối ưu cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ, đồng làm chủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây được xem là một trong những giải pháp cho đầu ra sản phẩm nông sản và sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Vân Anh