Huyện Ea Súp: Người dân thiếu nơi tập luyện thể thao
Những năm qua, huyện Ea Súp đã quan tâm đến công tác phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT), chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, với đặc thù huyện biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động TDTT trên địa bàn còn rất thiếu thốn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa –Thông tin huyện Ea Súp, thời gian qua, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện được phát triển rộng khắp trong tất cả các đối tượng. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ việc luyện tập và thi đấu còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Cụ thể, huyện chưa có trung tâm văn hóa, nhà thi đấu thể thao mà tận dụng Quảng trường trung tâm huyện làm nơi luyện tập, thi đấu. Tuy nhiên, nơi này chỉ có thể tổ chức các môn thể thao ngoài trời như bóng chuyền, kéo co và phục vụ người dân đi dạo, tập thể dục. Đối với các môn thể thao trong nhà phổ biến như bóng bàn, cầu lông..., sân bãi cũng rất ít ỏi, chỉ có một số sân chơi tại các cơ quan, trường học và chủ yếu vẫn là sân ngoài trời.
Với bóng đá, toàn huyện cũng chỉ có 5 sân bóng mini, tập trung ở thị trấn Ea Súp và một số xã lân cận. Môn bơi có 2 bể bơi của tư nhân và trường học, còn các môn võ thì chủ yếu tận dụng khuôn viên các cơ quan, trường học hay bãi đất trống.
Khu đất huyện Ea Súp đề xuất xây dựng Dự án Khu văn hóa thể thao. |
Thiếu nơi tập luyện thể thao đã đành, các thiết chế văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân cũng rất hạn chế. Đơn cử như tại thị trấn Ea Súp, trong số 5 buôn có nhà cộng đồng thì chỉ có 3 nhà cộng đồng phát huy hiệu quả công năng; 15 thôn, tổ dân phố còn lại chưa có nhà văn hóa cộng đồng.
Anh Phạm Bá Quỳnh (thôn 4, thị trấn Ea Súp) cho biết, thôn chưa có nhà văn hóa nên có sự kiện gì đều phải mượn mặt bằng, bên cạnh đó, sân tập luyện thể thao cũng hạn chế, dẫn đến các hoạt động phong trào văn hóa, TDTT chưa phát triển mạnh.
Còn chị H’Phi Ly Ayun (buôn A1, thị trấn Ea Súp) cho hay, do thiếu sân chơi thể thao nên một bộ phận thanh thiếu niên tham gia các trò chơi, giải trí thiếu lành mạnh, sa đà tệ nạn xã hội, trẻ em thường xuyên xem tivi, điện thoại, rất ít em tham gia các lớp năng khiếu hè. Người dân ở đây rất mong Nhà nước quan tâm xây dựng các công trình văn hóa, sân thể thao để họ có nơi sinh hoạt văn hóa, tập luyện TDTT.
Theo thống kê của UBND huyện Ea Súp, tính đến hết năm 2020, toàn huyện chỉ có khoảng 24,2% số người thường xuyên luyện tập TDTT, 14% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Do các điểm vui chơi giải trí, tập luyện TDTT trên địa bàn huyện thiếu thốn nên rất ít người tham gia tập luyện, làm cho nguồn vận động viên ngày càng khan hiếm dẫn đến thành tích thi đấu TDTT của huyện rất thấp. Khi có sự kiện văn hóa, thể thao, huyện thường phải mượn địa điểm tổ chức của các cơ quan, trường học, thậm chí cả nhà dân. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến để huyện Ea Súp đăng cai một số môn của Đại hội TDTT các dân tộc thiểu số của tỉnh nhưng do cơ sở vật chất, sân thi đấu tại địa phương không đáp ứng yêu cầu nên kế hoạch này không thực hiện được.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Văn Nhiệm, tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, người dân địa phương thường xuyên phản ánh tình trạng thiếu nơi tập luyện TDTT và kiến nghị Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, huyện rất khó bố trí ngân sách đầu tư, trong khi huy động xã hội hóa cũng rất hạn chế.
Để phát triển phong trào TDTT, địa phương khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này, khuyến khích phát triển thể thao, giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa. Việc xây dựng các công trình văn hóa, thể thao là nhu cầu rất thiết thực nhằm bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng vùng biên vững mạnh.
Do đó, huyện Ea Súp đã đưa Dự án Khu văn hóa, thể thao và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trấn Ea Súp đứng đầu trong danh mục thứ tự theo nhu cầu đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và sau năm 2025 để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét. Địa điểm xây dựng công trình là khu đất 16,6 ha tại trung tâm huyện, số vốn dự kiến 27 tỷ đồng.
Minh Chi