Lo ngại ly hôn gia đình trẻ (Kỳ 1)
Gia đình là môi trường để nuôi dưỡng và hình thành nhân cách cá nhân. Gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ sẽ giúp cho xã hội phát triển tốt hơn. Song hiện nay có không ít gia đình tan vỡ, càng lo ngại hơn khi độ tuổi của đương sự trong các vụ án hôn nhân gia đình ngày càng "trẻ hóa".
Kỳ 1: Mong manh sợi dây gắn kết hôn nhân
Mỗi năm, Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk giải quyết khoảng 14.000 vụ việc, thuộc tốp đầu các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, trong đó án hôn nhân gia đình chiếm trên 40%. Đáng buồn là số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 lên đến 33,7%.
Những cuộc hôn nhân vội vàng và nhiều biến cố
Chị N.T.T.T. (SN 1988, ở thôn 9, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em cùng mẹ khác cha. Dẫu mẹ chị T. cố gắng làm lụng nuôi các con nhưng trong nhà luôn thiếu vắng tiếng cười đùa.
Đến tuổi trưởng thành, chị T. lập gia đình, có hai con gái xinh xắn, nhưng cuộc sống hôn nhân chỉ ngắn ngủi khoảng 3 năm thì vợ chồng chia tay. Không có việc làm ổn định, chị T. gửi một đứa con cho nhà ngoại, một đứa cho nhà nội nuôi dạy, còn mình về tỉnh Bình Dương rồi sang tỉnh Đồng Nai làm công nhân. 3 năm sau, chị T. trở về nhà với đứa con thơ trên tay. Trước khi gửi đứa con kế tiếp cho mẹ nuôi hộ, chị T. thủ thỉ: “Con cũng mong muốn có một mái ấm gia đình nên mới quyết định đi bước nữa, nhưng khi về sống chung lại không hợp tính nhau”.
Cán bộ Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đến thăm, chia sẻ với gia đình hội viên đơn thân. |
Những tưởng sau hai lần đổ vỡ chị T. sẽ “sợ cành mềm” thì 2 năm sau người dân xã Ea Bar thấy chị tay bồng, tay dắt hai đứa trẻ khác về, ai cũng ngán ngẩm, ái ngại cho bà L.T.C. - mẹ chị T. đã gần 60 tuổi nhưng vẫn phải chạy chợ hằng ngày lo cái ăn, cái mặc cho mấy đứa cháu ngoại. “Tôi đã từng lầm lỡ nên không trách được con. Tôi khuyên nó suy nghĩ chín chắn, không yêu nhanh, cưới vội, nhưng nó nào chịu nghe, chỉ thương các cháu, tương lai không biết thế nào”, bà C. nghẹn ngào.
Dù đã ly hôn hơn một năm, song biến cố gia đình tan vỡ vẫn hằn in trên gương mặt, ánh mắt của chị N.T.Q.T. (SN 1992 ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột). Chị T. và chồng quyết định kết hôn sau 7 năm yêu nhau, nhưng chỉ ở với nhau được 3 tháng thì bắt đầu có những mâu thuẫn. Trong khi hai vợ chồng chưa tìm được cách giải quyết, thì sự "chen" vào của gia đình nhà chồng như đổ thêm dầu vào lửa. Mẹ chồng chị T. ngày nào cũng nói xa, nói gần: "Phụ nữ làm công an lấy thời gian đâu mà chăm sóc cho chồng con. Làm công việc gì mà cứ mãi đi sớm, về khuya. Người đâu mà sướng, cứ bắt chồng làm việc nhà...".
Khi chị T. mang thai những tưởng mẹ chồng thương cháu sẽ thương luôn con dâu, không ngờ mẹ chồng vẫn bảo thủ. Ban đầu, chồng chị T. còn chia sẻ, động viên vợ, nhưng sau đó thuận theo ý mẹ. Mệt mỏi do thai nghén và áp lực với mẹ chồng, chị T. đã sảy thai. “Ngày ở bệnh viện về, em vừa bước vào nhà thì mẹ chồng lấy giấy ra đốt kèm lời cay nghiệt: Có mỗi việc đẻ con cũng không xong. Em quyết định rời nhà chồng từ hôm đó, 6 tháng sau thì ly hôn”, chị T. chua xót.
Vì đâu nên nỗi…
Năm 2018, TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk phải giải quyết 5.414 vụ án ly hôn, năm 2019 là 5.820 vụ, năm 2020 là 5.504 vụ và 6 tháng đầu năm 2021 là 3.171 vụ. Trong đó, tỷ lệ án ly hôn của gia đình trẻ, đặc biệt ở độ tuổi 18 - 30 chiếm 33,7%. Điều này cho thấy sợi dây gắn kết hôn nhân trong gia đình khá mong manh.
Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh cho biết, có muôn vàn lý do để các cặp vợ chồng trẻ ly hôn, nhưng nguyên nhân chính là do mâu thuẫn (chiếm 62,8%), mà lý do dẫn đến mâu thuẫn đôi khi chỉ là việc người chồng đưa tiền cho vợ đi chợ hằng ngày kèm theo yêu cầu phải làm một bảng kê chi tiết các khoản đã mua. Hay chỉ vì người chồng mải xem ti vi, lướt điện thoại không lo bơm nước sinh hoạt đến khi cúp nước..., vợ chồng lời qua tiếng lại rồi đưa nhau ra tòa.
Hôn nhân hạnh phúc là mơ ước của bao nhiêu bạn trẻ. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, lối sống thực dụng, cái tôi cá nhân của giới trẻ ngày càng cao; thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử nên khi bước vào cuộc sống hôn nhân, những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, ly hôn là điều khó tránh khỏi. Nhiều thanh niên có suy nghĩ đơn giản về hôn nhân, quyết định kết hôn rất nhanh và khi phát sinh mâu thuẫn thì... ly hôn.
Thêm một lý do nữa, phụ nữ ngày nay chủ động về kinh tế, nhận thức về bình đẳng giới nâng lên, tham gia các công việc xã hội nhiều hơn..., trong khi đó việc chia sẻ công việc nhà từ người chồng chưa có nhiều thay đổi. Đây là lý do đa số các vụ án ly hôn Tòa án đã và đang giải quyết có nguyên đơn từ phía người vợ.
"Ly hôn là sự giải thoát cho những người trong cuộc khỏi sự tù túng trong đời sống hôn nhân nhưng để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là với những đứa trẻ không may trong cuộc, trước hết là không còn được sống trong một gia đình trọn vẹn", theo Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu.
Qua thống kê của TAND tỉnh, án ly hôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do mâu thuẫn gia đình chiếm 62,8%; bạo lực gia đình (5,5%); nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc (4,5%); về kinh tế (2,6%); còn lại là các nguyên nhân khác. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Những đứa trẻ trong gia đình khuyết thiếu
Nguyên Hoa - Hoàng Ân