Multimedia Đọc Báo in

Lời chúc bình an từ tâm dịch

08:43, 18/07/2021

Những thanh niên trẻ nhiều hoài bão

Hôm trước, tôi đã gặp lại cậu học trò cũ của mình, không phải trong quán cà phê mà ở trên Facebook khi em chào tạm biệt bạn bè để lên đường làm nhiệm vụ ở khu cách ly với vai trò bác sĩ nội khoa của Bệnh viện Long Thành, Đồng Nai. Ánh mắt lấp lánh vui, nụ cười sáng rỡ và tự tin của Y Tuin làm tôi thấy yêu thương quá đỗi. Khi ấy, tôi đã nhắn với Y Tuin rằng: “Nhớ bảo trọng em nhé”.

Y Tuin dành thời gian ít ỏi lúc nghỉ ngơi sau ca trực nhắn tin trả lời. Rằng em rất ổn. Rằng em và các đồng nghiệp vẫn khỏe. Chúng em luôn dặn dò nhau hết sức cẩn thận và cẩn trọng để bảo vệ mình và làm tốt nhiệm vụ gian khổ và cấp thiết này.

Khi còn là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tôi tiếp xúc với cậu học trò có đôi mắt tròn, cười rất hiền như Y Tuin, không nghĩ cậu ấy sẽ là một bác sĩ trong tương lai. Và cũng không bao giờ nghĩ đến một lúc nào đó như hôm nay, cậu học trò cũ đã vững vàng và trưởng thành nhanh chóng. Em xung phong làm nhiệm vụ trong khu cách ly từ đợt 1, năm 2020. Những lần trước là trong khu cách ly người từ nước ngoài về. Lần này làm nhiệm vụ ở khu vực cách ly dành cho những người F1 tiếp xúc với F0, đồng nghĩa là sự khó khăn càng lúc càng gấp bội.

Giống như Lưu Anh Minh, bác sĩ ngoại khoa ở Bệnh viện huyện Củ Chi, cựu sinh viên khoa Y Trường Đại học Tây Nguyên mà tôi biết. Minh rất trẻ, tràn đầy nhiệt huyết. Và nhất định không chịu nói gì về mình. Minh bảo: “Cháu chưa làm được điều gì to lớn. Cháu chỉ làm việc mà một bác sĩ nên làm trong thời điểm đất nước khó khăn, khi người dân cần tới chúng cháu nhiều hơn. Lúc này, khi TP. Hồ Chí Minh đang trong cuộc chiến gay go nhất với dịch bệnh, khi mà số ca nhiễm mỗi ngày lên đến hàng trăm, hàng nghìn thì việc cháu và những đồng nghiệp đang làm cũng là điều hiển nhiên thôi”.

Bác sĩ Lưu Anh Minh và các đồng nghiệp trước Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi.   (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bác sĩ Lưu Anh Minh và các đồng nghiệp trước Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Không có gì khó khăn lúc này

Mỗi ngày, chúng ta lại càng thêm lo lắng trước số ca nhiễm tại TP. Hồ Chí Minh tăng vọt. Nhưng những bác sĩ trẻ tôi biết, như Minh, rất bình tĩnh. “Cháu có lo lắng không?”, “Có chứ cô. Nhưng đó là những ngày mới đi làm nhiệm vụ lần đầu trong khu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 thôi. Những ngày tiếp theo, rồi trong tình hình như thế này thì bác sĩ phải là những người bình tĩnh nhất. Để chữa trị cho tốt. Để động viên bệnh nhân hãy lạc quan”.

Quả thật, đợt đầu tiên khi dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới, tấn công đến Việt Nam, khi mà trang thiết bị chống dịch còn rất thiếu thốn, kinh nghiệm điều trị chưa nhiều, Minh và đồng nghiệp đã có mặt trong khu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, làm việc không kể thời gian.

Y Tuin có mặt làm nhiệm vụ trong khu cách ly, nơi có người sau vài lần xét nghiệm từ âm tính chuyển sang dương tính. Và đến lúc này, khi đã có thêm kinh nghiệm thì những chàng thanh niên ấy đã vững vàng và bình tĩnh hơn nhiều.

Tôi cảm động khi hình dung những người đồng nghiệp của Minh, của Tuin: đó là những nữ bác sĩ da mặt bị ửng đỏ, phồng rộp vì hơi cồn bay cả ngày; đó là những nam bác sĩ làm bạn với tấm kính chắn giọt bắn, khẩu trang suốt ngày đêm, mỗi khi đồ bảo hộ được cởi ra thì toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Họ phải cố gắng chịu nóng để bảo vệ lấy mình khỏi sự lây nhiễm. Bác sĩ mà nhiễm bệnh thì ai sẽ chữa cho bệnh nhân. Khổ cho mình và còn khổ cho bao nhiêu người. Vì thế có nóng mấy cũng cố gắng.

Rồi khi Y Tuin nói về chị bác sĩ cùng đơn vị, con nhỏ mới 3 tuổi mà chị đã xung phong tham gia chống dịch. Cả nửa năm trời không về nhà, chỉ nói chuyện với con qua điện thoại. Vậy mà chị chưa bao giờ than thở. Nhiều đồng nghiệp của em cũng thế. Mọi người đều rất lạc quan. Ai cũng tin tưởng sớm hết dịch. Cho dù ngay thời điểm này, dịch vẫn chưa dấu hiệu hạ nhiệt, bệnh nhân ngày một tăng, khu điều trị và khu cách ly đang hoạt động hết công suất. Bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên làm gấp đôi thời gian và công việc. Có chăng thêm sự lo lắng, thương bệnh nhân, nhất là những người đi cách ly có cả con nhỏ. Trẻ con ngơ ngác, bố mẹ lo lắng, bất an, sợ hãi. Cứ thế, các bác sĩ làm thêm cả việc động viên bệnh nhân, người vào diện F1 hãy cứ yên tâm, lạc quan lên nhé…

Thời gian, sức khỏe và tinh thần. Các bạn ấy dồn hết cho công việc. Có hỏi thêm chăng nữa rằng có khó khăn gì không? Minh cũng giống Y Tuin, chỉ cười. Khó khăn gì đâu cô, ở ngoài kia, nhiều người dân còn khó khăn hơn nhiều!

Người trong tâm dịch lo cho người vùng an toàn

Y Tuin và Minh, những chàng thanh niên trẻ tuổi luôn kết thúc cuộc trò chuyện với tôi bằng lời dặn dò: “Cẩn thận. Bảo trọng. Bình an”. Lời nói ấm áp và yêu thương từ những người đang ở giữa tâm dịch làm tôi xúc động biết mấy. Nhất là khi bố Y Tuin ốm suốt mấy tháng nay mà cậu con trai không chăm được ngày nào. Y Tuin chỉ có thể hỏi han, động viên qua màn hình điện thoại. Nhất là khi Minh nhất định không chịu nhận đồ tiếp tế của bố mẹ từ TP. Buôn Ma Thuột gửi cho, vì bệnh viện nơi cậu công tác xa thành phố, không muốn gia đình đi lại vất vả. Mỗi khi nói chuyện với gia đình, Minh luôn bảo mình ổn và khỏe để làm việc tốt, nhà mình đừng lo.

Bác sĩ Y Tuin cùng đồng nghiệp làm việc trong khu cách ly. Ảnh nhân vật cung cấp
Bác sĩ Y Tuin cùng đồng nghiệp làm việc trong khu cách ly. Ảnh nhân vật cung cấp

Không chỉ Minh, Y Tuin mà các bác sĩ, điều dưỡng ở tâm dịch, nơi khốc liệt ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 luôn đều mong chờ một ngày Việt Nam sẽ đẩy lùi dịch bệnh. Bệnh viện sẽ không còn bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Sẽ được về Buôn Ma Thuột thăm gia đình, ăn bữa cơm nóng sốt của mẹ nấu sau những ngày tháng triền miên ăn cơm hộp.

Hình ảnh của Minh, của Y Tuin trong bộ đồ bảo hộ màu xanh lơ cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của tôi. Những bàn tay với biểu tượng sẽ chiến thắng giơ cao. Sau lớp khẩu trang kín bưng ấy, là ánh mắt sáng ngời và tâm hồn ấm áp đầy yêu thương. Cùng những dặn dò: Nhớ cẩn thận. Bình an…

Niê Thanh Mai


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.