Multimedia Đọc Báo in

Người dân TP. Buôn Ma Thuột đồng thuận thực hiện "lệnh" giãn cách xã hội

08:03, 27/07/2021

Sau 3 ngày TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, đông đảo người dân trên địa bàn đều đồng thuận và nghiêm túc chấp hành.

Tuân thủ quy định phòng, chống dịch

Trong những ngày đầu, hầu hết các tuyến phố đều vắng lặng, phương tiện và người tham gia giao thông rất ít. Người dân ra đường khi cần thiết cũng nghiêm túc chấp hành việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không còn tình trạng tập trung đông người, chen lấn.

Công an phường Thành Công tuyên truyền, nhắc nhở người dân chỉ ra đường khi có việc cần thiết.
Công an phường Thành Công tuyên truyền, nhắc nhở người dân chỉ ra đường khi có việc cần thiết.

Ghi nhận trên các tuyến phố vốn sầm uất, nhộn nhịp trước đây như: Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Phan Chu Trinh, Điện Biên Phủ… thì nay vắng hẳn người qua lại, các nhà hàng, quán xá đều đóng cửa chấp hành quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Nhiều quán ăn được phép bán mang về, cửa hàng bán hàng thiết yếu dù cho phép được mở cửa, nhưng lo ngại dịch nên phần lớn chủ kinh doanh cũng tạm dừng hoạt động.

Chị N.T.L., chủ quán ăn sáng trên đường Y Nuê (phường Ea Tam) cho hay, tối 23-7, nắm được thông tin từ 0 giờ ngày 24-7, TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những trường hợp như chị vẫn được phép mở bán mang về. Tuy nhiên, để an toàn cho mình, gia đình và mọi người, chị tạm thời nghỉ buôn bán, chờ dịch bớt phức tạp rồi mới tính tiếp.

“Làm cái nghề này, mỗi ngày có hàng trăm người ra vào, lỡ có dịch bệnh thì không chỉ bản thân tôi, những người thân trong gia đình mà rất nhiều người bị ảnh hưởng. Vẫn biết, việc nghỉ buôn bán là đồng nghĩa với mất nguồn thu nhập, nhưng đóng quán trong thời gian này là biện pháp an toàn nhất”, chị L. chia sẻ.

Quan sát tại tại chợ trung tâm thành phố, khác với cảnh chen lấn mua sắm trước thời gian thực hiện giãn cách xã hội, những ngày này tại các cửa hàng tạp hóa, hàng rau xanh đều thưa vắng người ra vào.

Chị Hoàng Thị Nhi, phường Tân Tiến chia sẻ, đến chợ phố những ngày này rất ít người, ai cũng sợ dịch lây lan nên hạn chế ra đường. Nhà có vườn rau, mỗi lần ra chợ chị chỉ mua thêm thịt, cá và một ít đồ khô, đủ ăn cho cả gia đình trong 3 - 4 ngày. Do vậy, một tuần chị chỉ ra chợ hai lần là đủ thực phẩm; chỉ thực sự cần thiết thì mới ra ngoài, không thì ở nhà là biện pháp an toàn nhất.

Còn chị V.T.H., một tiểu thương ở chợ Phan Chu Trinh (phường Tân Lợi) cho biết, thông tin thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ thông báo, hướng dẫn, giúp tiểu thương nắm bắt kịp thời, không hoang mang, duy trì việc buôn bán nhưng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Chợ vẫn hoạt động bình thường nhưng lượng người đi chợ không còn đông như trước.

Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm

Cùng với các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, các xã, phường và lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bên cạnh số đông người dân nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị 16, chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết, thì vẫn còn một số trường hợp vi phạm. Ghi nhận vào sáng 26-7, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lực lượng chức năng phường Thành Công đã dừng hàng trăm lượt phương tiện qua chốt (đa phần là xe máy) tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão, giáp ranh với xã Cư Êbur, qua đó tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 16 đối với người tham gia giao thông, đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng thì yêu cầu quay về, nếu tiếp tục vi phạm trong những ngày tiếp theo sẽ lập biên bản xử lý theo quy định.

Đại úy Hoàng Đức Anh, Phó Trưởng Công an phường Thành Công cho biết, nhiều người ra đường viện đủ lý do, xuất trình đủ các loại giấy tờ, một số người không làm trong lĩnh vực thiết yếu cũng được công ty cấp giấy mang ra trình. Do đó, khi kiểm tra các loại giấy này, cán bộ làm nhiệm vụ phải xem rõ đó là công ty nào, chuyên lĩnh vực gì thì mới giải quyết. Tất cả những trường hợp không đúng quy định đã tiến hành nhắc nhở và bắt buộc phải quay đầu xe, không cho tiếp tục lưu thông. Còn đối với một số trường hợp không tuân thủ quy định theo Chỉ thị 16 như ra đường không lý do, không có giấy xác nhận của chính quyền, đơn vị, không mang theo giấy tờ tùy thân… thì buộc phải tiến hành  lập biên bản vụ việc, sau đó đề nghị UBND phường xử phạt theo quy định.

Công an phường Ea Tam trong ngày đầu ra quân xử lý các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Công an phường Ea Tam trong ngày đầu ra quân xử lý các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại phường Ea Tam, bắt đầu từ  ngày 25-7, địa phương đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 16 trên địa bàn. Qua đó, đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với số tiền 2 triệu đồng/người. Theo ông Nguyễn Đức Tưởng, Chủ tịch UBND phường Ea Tam, những ngày tới, phường sẽ tiếp tục ra quân tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đồng thời tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm để răn đe.

Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết, việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và tất cả các giải pháp thành phố đưa ra về phòng, chống dịch bệnh đều xuất phát từ người dân, vì lợi ích, sức khỏe của nhân dân. Do đó, thành phố kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn thành phố hưởng ứng và thực hiện nghiêm các giải pháp thành phố và tỉnh đã đề ra. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành tốt. Ban Chỉ đạo thành phố đã chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh ra quân kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm như không đeo khẩu trang, đi ra nơi công cộng không có lý do chính đáng và không phối hợp với chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh…

Kim Hoàng


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.