09:54, 13/06/2011
Chỉ một thời gian ngắn sau khi được giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ, hơn 150ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 564 đã bị một số hộ dân biến thành ruộng mía. Còn chính quyền địa phương nơi đây thì dường như vẫn đứng ngoài cuộc.
|
Sau khi phá trắng diện tích rừng bằng phẳng, người dân lại bắt đầu phá lên những quả đồi cao. |
Rừng tự nhiên thành... rẫy mía, cà phê
Với mục tiêu phát triển, bảo vệ rừng, năm 2008, UBND huyện Cư M’gar đã giao 600 ha rừng tại TK 564 cho 84 hộ dân (thiếu đất sản xuất ở thôn 20 xã Ea M’droh) quản lý, bảo vệ. Trong bản đồ, hiện trạng rừng trước khi giao cho các hộ dân được lưu tại UBND xã thể hiện rõ: rừng bán trung bình 146,8 ha, rừng khộp trung bình 81 ha, còn lại là rừng khộp xen le. Theo như biên bản giao ước giữa chính quyền với những người được giao đất rừng, các hộ và nhóm hộ được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu, được chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, được hưởng lợi một phần sản phẩm khai thác từ rừng tự nhiên sau khi nộp ngân sách... Có thể nói, đây là một chủ trương đúng đắn, vừa bảo vệ được rừng, vừa góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể, bảo đảm đời sống cho người làm nghề rừng. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm được nhận rừng, thay vì bảo vệ, phát triển như cam kết ban đầu, người dân lại chặt phá để trồng mía, trong đó nhiều diện tích bị phá trắng. Thống kê sơ bộ của xã Ea M’droh, hiện đã có trên 150 ha rừng bị hơn 40 hộ tự ý… chuyển đổi.
Theo chân một cán bộ địa chính xã vào khảo sát hiện trường, những nơi trước đây trên bản đồ được đánh dấu là rừng khộp, le giờ đây là những rẫy mía ngút ngàn, cạnh đó là những khúc gỗ có đường kính từ 2-5cm bị đốn hạ chất thành từng đống cao. Trong số 600 ha rừng đã giao cho dân, những nơi có địa thế bằng phẳng gần như đã bị người dân phá trắng để trồng mía, cà phê. Thậm chí có người còn làm nhà, xây chuồng trại nuôi gia súc, đào hồ thả cá ngay trên diện tích rừng được giao. Không chỉ những quả đồi thấp bị san bằng làm rẫy mà trên các đồi cao, nương rẫy cũng đã xuất hiện. Nhiều hộ dân còn bỏ hàng chục triệu đồng ủi hẳn một con đường rộng vào rừng.
|
Dựng nhà, lập trang trại trên diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ. |
Buông lỏng quản lý đến bao giờ?
Trao đổi về sự việc trên, ông Trần Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho rằng: hành động chặt phá rừng giao khoán, tự ý chuyển sang trồng mía của những hộ được giao đất, giao rừng hầu hết chỉ mới bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2011. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Kháng, cán bộ địa chính xã này lại khẳng định rằng: ngay sau khi nhận rừng, người dân đã bắt đầu chặt phá, mà ồ ạt là vào các năm 2009, 2010. Theo chúng tôi, khẳng định của ông Kháng hoàn toàn có cơ sở, bởi trên diện tích rừng bị chặt phá đã có những rẫy cà phê tầm 2-3 năm tuổi chuẩn bị cho quả, nhiều gốc cây rừng bị đốn hạ đã sắp mục. Ông Tư Thanh Quảng, một người dân thôn 20 bức xúc: Việc giao đất, giao rừng ở đây có sự nhập nhằng khó hiểu, nhiều người được giao hàng chục ha, song có người chỉ được vài ha. Việc bình xét để giao rừng cho dân cũng không được thực hiện công bằng. Cụ thể, theo tiêu chuẩn, hộ ông lẽ ra được nhận hơn 13 ha, nhưng sau 3 năm vẫn chưa nhận được 1 mét đất nào. Chính sự nhập nhằng khó hiểu này là nguyên nhân dẫn đến mất rừng. Còn ông chủ tịch xã giải thích về lý do mất rừng là do đa phần người nhận rừng là dân nghèo, không có đất đai nên đã “tận dụng” rừng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, cái cách mà người ta đang “chuyển đổi” rừng ở đây là cách làm của “nhà giàu”, có sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện cơ giới hiện đại: ruộng được cày bằng máy, đường được mở rộng thênh thang với nguồn vốn bỏ ra không hề nhỏ. Hơn nữa, thống kê của xã cho thấy, diện tích rừng bị phá trắng tập trung chủ yếu ở những hộ được giao diện tích trên 10 ha. Cụ thể: hộ ông Đinh Văn Hà phá trắng 28,7ha, hộ Y Tai Bjă phá trắng 24,2 ha, ông Hoàng Văn Páo hơn 17ha, hộ Lương Văn Minh hơn 12 ha… Một người làm thuê cho một đại gia ở đây tiết lộ: việc phá rừng là có sự đồng lõa giữa người được giao rừng và một số cán bộ. Ông Kháng cho biết thêm, suốt 3 năm qua, chính ông đã kiểm tra, báo cáo toàn bộ sự việc lên cấp trên, tuy nhiên, tất cả đều không được xử lý. Còn về trách nhiệm của địa phương, ông Tư cho rằng, xã cũng đã nhiều lần mời các hộ được giao đất, giao rừng tự ý chuyển đổi lên xã để “nhắc nhở, quán triệt…”. Vậy mà nhiều diện tích rừng vẫn bị phá đi để trồng cây khác (?!)
Để xảy ra mất rừng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ rừng, nhưng điều đáng phải lưu tâm chính là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Điều này thể hiện rõ, tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất rừng diễn ra ồ ạt, suốt một thời gian dài, nhưng địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý (?!) Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn cũng làm ngơ, mặc dù người có trách nhiệm ở xã đã nhiều lần báo cáo về tình trạng dân phá rừng giao khoán dù lúc đó mới chỉ manh nha một vài hộ. Mãi đến khi người dân có đơn thư tố cáo, cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc thì ngày 27-4-2011 UBND huyện Cư M’gar mới có Quyết định số 306 cho thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra tình trạng phá rừng đang xảy ra ở Ea Md’roh. Hiện đoàn liên ngành cũng chỉ mới báo cáo sự vụ và đang chờ chỉ đạo từ phía UBND huyện rồi mới có những bước xử lý tiếp theo. Với cách làm chậm trễ như vậy, nguy cơ 600 ha rừng giao khoán tại Ea M’droh biến thành rẫy nhà đang hiện hữu.
Lệ Văn
Ý kiến bạn đọc