Nhức nhối tình trạng thanh thiếu niên nông thôn gây án
Những năm gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên đánh nhau, gây án đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Thực trạng đó đang là mối lo ngại của cộng đồng và các bậc cha mẹ trong việc quản lý và giáo dục con cái.
Gây án từ những chuyện không đâu
Có nhiều nguyên nhân làm nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn giữa các thanh, thiếu niên với nhau, đôi khi chỉ “vin vào” một ánh nhìn của đối phương được cho là “nhìn đểu”, hay vì tranh giành bạn gái, hoặc do uống rượu say… là lý do dẫn đến những cuộc ẩu đả. Có thể dẫn chứng một số vụ: ngày 6-8-2011, tại thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo), Nguyễn Ngọc Duy và Nguyễn Văn Mạnh (cùng 19 tuổi) rủ nhau đến quán nhậu ở thị trấn Ea Đrăng để uống rượu với vài người bạn gái. Đang uống thì có thêm 3 thanh niên khác cũng đến quán và ngồi ở bàn kế bên, một trong số 3 thanh niên này đã vô tình làm văng tàn thuốc lá sang bàn của Duy. Bực tức và cho rằng đã làm mất sĩ diện trước bạn gái, nên trong lúc đi vệ sinh, Duy lẻn ra phía sau nhà bếp lấy trộm một con dao đến đâm thẳng vào lưng người thanh niên làm văng tàn thuốc là anh Nguyễn Văn Tuấn (29 tuổi, trú tại xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo) làm anh bị thương nặng. Hoặc vụ xảy ra ngày 29- 5- 2011, tại xã Ea Bông, huyện Krông Ana: Y Cang Ênuôl (SN 1988, trú tại buôn Knul, xã Ea Bông) đang ngồi nhậu ở nhà thì hết rượu, y đến quán của bà Nguyễn Thị Lài ở buôn Riăng (cách nhà chừng 500 m) để mua thêm rượu về uống. Sẵn có hơi men trong người, khi đến quán của bà Lài, Y Cang gặp Y Tul và Y Luk (cùng trú trong xã Ea Bông) đang ngồi xem tivi cùng cháu Nguyễn Tấn Dũng (SN 2002, con bà Lài). Do có hiềm khích từ trước, Y Cang xông vào nhà, dùng gậy gỗ đánh vào đầu Y Tul bị thương 10%. Thấy Y Tul và Y Luk bỏ chạy, Y Cang liền quay lại đánh cháu Dũng 2 cái vào đầu khiến cháu bị thương 25%.
Mở các lớp dạy nghề tạo điều kiện cho thanh niên cơ hội lập nghiệp. |
Tình trạng thanh thiếu niên ở một số địa phương nảy sinh mâu thuẫn, đánh nhau đang là một vấn nạn nhức nhối đối với các cơ quan chức năng, địa phương và gia đình. Để ngăn chặn tình trạng trên cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp nhằm tuyên truyền về luật pháp, giáo dục ý thức cho thanh thiếu niên; kết hợp với việc giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên, tạo ra những sân chơi vui tươi, bổ ích, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - ông Hoàng Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar phát biểu.
Hầu hết vụ việc trên, ngoài sự bồng bột của tuổi trẻ, còn một nguyên nhân nữa là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, do thiếu công ăn việc làm ổn định nên thường xuyên tụ tập uống rượu và gây rối. Anh Y Să Mlô, Trưởng Công an xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cho biết: khoảng vài năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau (năm 2010 có 7 vụ, riêng từ đầu năm 2011 đến nay đã có trên 10 vụ). Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo về tình hình trật tự xã hội, về lối sống buông thả của thanh thiếu niên trên địa bàn. Để giải quyết dứt điểm những sự việc trên, địa phương đã đưa ra những hình phạt răn đe như: đưa ra kiểm điểm trước dân, buộc lao động công ích như quét dọn đường thôn, buôn, nhặt rác thải nơi công cộng… từ 1- 2 tháng. Cũng theo anh Y Să, bên cạnh các biện pháp răn đe, chính quyền địa phương cũng cần tạo cơ hội để số thanh thiếu niên hư hỏng sửa chữa lỗi lầm; hướng dẫn, tạo việc làm để họ có điều kiện tham gia lao động với cộng đồng, tránh tình trạng tụ tập ăn chơi lêu lổng; các đoàn thể cần tổ chức nhiều hoạt động tập thể để thu hút sự tham gia của thanh, thiếu niên. Đối với số thanh thiếu niên chậm tiến, chính quyền xã cần tăng cường giáo dục pháp luật và tiến hành các biện pháp giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái của họ. Về phía gia đình, những người làm cha, làm mẹ đừng vì lo chuyện làm ăn mà quên bổn phận, trách nhiệm quản lý giáo dục con em; cần gần gũi con cái để có sự tư vấn, khuyên bảo đúng lúc.
Ý kiến bạn đọc