Chung quanh một vụ kiện đòi tài sản tạm ứng: Tòa, Viện “vênh” nhau
Mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng mua bán gỗ giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Tuận (SN 1945) ở thôn 8 thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) và bị đơn là ông Thái Anh Dũng (SN 1957) trú tại địa chỉ 101 Điện Biên Phủ, TP. Buôn Ma Thuột. Phiên tòa thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người bởi nhiều tình tiết trong vụ kiện vẫn chưa được cấp xét xử sơ thẩm làm sáng tỏ. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng do tòa phúc thẩm tuyên xem ra vẫn chưa khiến mọi người “tâm phục khẩu phục”!
Góp vốn kinh doanh hay hợp đồng mua bán?
Năm 2006, bà Lê Thị Tuận, ông Thái Anh Dũng và một số người quen biết nhau cùng nhau tham gia góp vốn để đầu tư vào việc khai thác, mua bán gỗ với Công ty Tây Nam Campuchia do ông Hà Thiệu làm giám đốc. Những người này cử ông Dũng làm đại diện đứng ra giao dịch với Công ty Tây Nam. Ngày 19-12-2006, ông Dũng có viết giấy biên nhận tiền của bà Tuận để đưa cho Công ty Tây Nam, tổng cộng 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì lý do khách quan nên gỗ đã khai thác nhưng chưa chuyển về Việt Nam được.
Ngày 9-11-2010, bà Lê Thị Tuận làm đơn khởi kiện đòi ông Thái Anh Dũng trả lại số tiền tạm ứng 3,5 tỷ đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật. Theo lời khai của bà Tuận thì số tiền này bà đã đưa cho ông Dũng trong khoảng thời gian từ ngày 18-8-2006 đến ngày 19-12-2006 để mua bán gỗ với ông Dũng bằng một hợp đồng miệng. Vì không thấy ông Dũng giao gỗ như thỏa thuận nên bà Tuận khởi kiện ra tòa.
Trong khi đó, theo lời khai của ông Thái Anh Dũng thì trong năm 2006, ông cùng bà Tuận và một số người khác cùng tham gia góp vốn để đầu tư vào việc khai thác và mua bán gỗ với Công ty Tây Nam Campuchia. Thực tế, ông có viết giấy biên nhận của bà Tuận 3,5 tỷ đồng, nhưng đây là số tiền góp vốn cùng nhau kinh doanh nên “lời ăn lỗ chịu”, bà Tuận không có quyền đòi lại số tiền đã góp.
Thụ lý vụ kiện trên, ngày 5-10-2011, TAND huyện Ea Súp đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại về “tranh chấp hợp đồng mua bán gỗ” giữa các đương sự như đã nêu trên. Kết quả bản án số 02/2011/KDT, ngày 5-10-2011 của TAND huyện Ea Súp đã quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của bà Lê Thị Tuận, tuyên hủy hợp đồng mua bán gỗ giữa ông Dũng và bà Tuận; đồng thời buộc ông Dũng phải trả lại cho bà Tuận số tiền 3,5 tỷ đồng.
Tòa, Viện “vênh” nhau
Sau khi bản án được ban hành, ngày 12-10-2011, ông Thái Anh Dũng làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 27-2-2011, VKSND tỉnh đã ra Quyết định số 1120/QĐ/KNPT-KDTM kháng nghị toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2011/KDTM ngày 5-10-2011 của TAND huyện Ea Súp theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị hủy án sơ thẩm.
Kháng nghị của Viện KSND tỉnh nhận định “Các chứng cứ về lời nói và nội dung giấy biên nhận tiền có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở để chứng minh có hợp đồng mua bán gỗ giữa ông Dũng và bà Tuận” như Bản án của TAND huyện Ea Súp nhận định. Mặt khác, theo Viện Kiểm sát, tại biên bản hòa giải (bút lục: 42,43), bà Tuận khai: “… sau đó theo yêu cầu của ông Hà Thiệu thì hai người chúng tôi gom lại cử chú Dũng làm đại diện đứng ra giao dịch với Công ty Tây Nam mà ông Hà Thiệu là giám đốc. Sau đó chú Dũng đứng ra nhận các khoản tiền tôi đưa thông qua chú Dũng để đưa cho ông Hà Thiệu…”, theo lời khai này của bà Tuận thì không hề có hợp đồng mua bán gỗ giữa ông Dũng và bà Tuận…
Tại bản án phúc thẩm số 02/2012/KDTM-PT ngày 19-20 - 3-2012 của TAND tỉnh nhận định: “Bà Tuận cho rằng bà cho ông Dũng ứng 3,5 tỷ đồng để thực hiện thỏa thuận mua bán gỗ bằng miệng giữa hai bên. Tại phiên tòa bà Tuận khẳng định hai bên có thỏa thuận mua bán gỗ bằng miệng với nội dung: Về số lượng, chủng loại tùy thuộc vào số gỗ khai thác được, đơn giá gỗ tính theo giá thị trường thời điểm giao gỗ, địa điểm giao gỗ tại Quy Nhơn hoặc TP. Hồ Chí Minh. Thỏa thuận này mặc dù không được ông Dũng thừa nhận nhưng phù hợp với các giấy biên nhận có tổng số tiền 3,5 tỷ đồng ông Dũng viết cho bà Tuận. Như vậy, án sơ thẩm nhận định giữa bà Tuận và ông Dũng có hợp đồng mua bán gỗ bằng miệng là phù hợp với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Thương mại năm 2005”. Trên cơ sở đó, bản án phúc thẩm đã quyết định bác toàn bộ kháng nghị của Viện KSND tỉnh và bác toàn bộ nội dung kháng cáo của bị đơn Thái Anh Dũng. Tuyên giữ nguyên bản án số 02/2011/KDTM ngày 5-10-2011 của TAND huyện Ea Súp về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Tuận và bị đơn Thái Anh Dũng.
Trong khi đó, quan điểm của Viện KSND tỉnh thì hoàn toàn ngược lại với Tòa. Mới đây, Viện KSND tỉnh đã có Báo cáo xem xét bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2012/KDTM-PT ngày 19-20 - 3-2012 của TAND tỉnh Dak Lak theo thủ tục Giám đốc thẩm. Theo báo cáo này thì Viện KSND tỉnh cho rằng kết luận trong bản án phúc thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Viện đã trích dẫn nội dung giấy biên nhận (BL:16): “Ngày 19-12-2006 cô Tuận nộp cho Công ty Tây Nam BP (Dũng nhận nộp) một số tiền là 750.000.000 đ. Như vậy tổng đến hôm nay là 3.500.000.000 đ. Người nhận Thái Anh Dũng”. (Công ty Tây Nam Campuchia và Công ty Tây Nam BP đều do ông Hà Thiệu làm giám đốc – PV). Theo quan điểm của Viện thì giấy biên nhận này cộng với biên bản hòa giải (BL: 42,43) đã dẫn ở trên cho thấy không có nội dung nào nói đến việc mua bán gỗ giữa ông Dũng và bà Tuận. Hơn nữa, trong “hợp đồng miệng” này (đã được Tòa hai cấp chấp nhận) lại không có một nội dung nào rõ ràng, không phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại… được quy định cụ thể trong Luật Thương mại. Do đó không thể cho rằng đây là hợp đồng thương mại.
Bên cạnh đó, Viện KSND tỉnh còn cho rằng bản án phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, nguyên đơn là bà Tuận chỉ làm đơn yêu cầu thanh toán tiền tạm ứng và trả lãi suất. Trong khi đó, Tòa hai cấp lại cho rằng có một “hợp đồng miệng” mua bán gỗ rồi tuyên hợp đồng vô hiệu là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo phân tích của Viện thì nếu như thực tế có một hợp đồng mua bán gỗ giữa bà Tuận và ông Dũng thì bà Tuận cũng chưa đủ điều kiện để khởi kiện. Bởi trong “hợp đồng” này không có thỏa thuận thời điểm giao nhận gỗ nên bà Tuận không thể nói quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm.
Luật sư Tạ Quang Tòng (Văn phòng Luật sư THT):
Tòa phúc thẩm phán quyết không công bằng
Theo tôi, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thiếu khách quan và công bằng trong việc xem xét và đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp cũng như không giải quyết được các yêu cầu kháng cáo của bị đơn về mặt tố tụng. Cụ thể, Tòa phúc thẩm đã không chứng minh được là đã có một hợp đồng mua bán gỗ được giao kết bằng miệng giữa ông Dũng với bà Tuận như nội dung kháng nghị của Viện KSND tỉnh. Trong khi đó, Hội đồng xét xử lại bỏ qua những lời khai của bà Tuận khi nói về việc cùng làm ăn mua bán gỗ với ông Dũng và những người khác, trong khi lời khai này lại phù hợp với lời khai của ông Dũng trong việc cùng góp tiền để triển khai dự án khai thác gỗ…
Hoàng Minh
Ý kiến bạn đọc