Vụ Công ty TNHH Phước Hưng lừa đảo hơn 54 tỷ đồng: Doanh nghiệp lừa đảo, cán bộ ngân hàng thiếu sót
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tỉnh truy tố Phạm Quang Biểu, Lê Thị Thanh Cảnh, nguyên giám đốc và thành viên Công ty TNHH Phước Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra cho thấy Phạm Quang Biểu và Lê Thị Thanh Cảnh đã có hành vi gian dối, vay hàng chục tỷ đồng của các ngân hàng rồi chiếm đoạt.
Gian dối để vay hàng chục tỷ đồng
Công ty TNHH Phước Hưng (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập năm 2006 bởi 2 thành viên góp vốn là Phạm Quang Biểu và vợ là Lê Thị Thanh Cảnh, trong đó Phạm Quang Biểu là Giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của công ty là mua bán cà phê, nông sản. Đến tháng 7-2010, Công ty Phước Hưng đã thua lỗ lớn, nợ các tổ chức tín dụng và cá nhân hàng chục tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Mặc dù mất cân đối tài chính nhưng Công ty Phước Hưng vẫn tiếp tục vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng như Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam Dak Lak, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Dak Lak, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cư M’gar. Tính đến thời điểm Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố vụ án (tháng 4 - 2011), Công ty Phước Hưng còn nợ các ngân hàng trên 71,1 tỷ đồng mất khả năng thanh toán. Trong tổng dư nợ 71,1 tỷ đồng, các ngân hàng chỉ vớt vát được hơn 16,7 tỷ đồng từ các giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, còn lại hơn 54,2 tỷ đồng không thu hồi được. Trong đó, thiệt hại của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam Dak Lak là 29,1 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Dak Lak 8,1 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Cư M’gar 16,8 tỷ đồng (làm tròn số).
Điều đáng nói là để vay được số tiền lớn, Phạm Quang Biểu và Lê Thị Thanh Cảnh đã có hành vi gian dối. Mặc dù từ tháng 6 - 2010 đến tháng 4 - 2011, trong kho chỉ có 87-233 tấn cà phê nhưng Công ty Phước Hưng vẫn làm thủ tục thế chấp 1.000 tấn cho Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam Dak Lak để đảm bảo khoản vay 25,51 tỷ đồng. Sau đó, Biểu tiếp tục thế chấp 500 tấn cà phê cho Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Dak Lak để đảm bảo khoản vay 10,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Phước Hưng còn làm giả 4 hợp đồng bán hàng cho Công ty TNHH Neumann Gruppe và Công ty TNHH Louis Drayfus Commodities Việt Nam để đưa cho ngân hàng. Đối với khoản vay 21,6 tỷ đồng tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Cư M’gar theo hình thức tín chấp, Công ty Phước Hưng đã gian dối bằng cách nộp báo cáo tài chính sai sự thật, che giấu thua lỗ và kê khống lợi nhuận. Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Phạm Quang Biểu và Lê Thị Thanh Cảnh đã dùng tiền vay để trả nợ cũ, vay ngân hàng này trả cho ngân hàng khác, trả nợ vay nóng cá nhân. Công ty Phước Hưng có dùng một phần vốn vay mua cà phê nhưng sau đó lại dùng tiền bán hàng tiếp tục trả nợ cũ.
Cán bộ ngân hàng có thiếu sót
Trong vụ án này, mặc dù Phạm Quang Biểu và Lê Thị Thanh Cảnh đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, lừa đảo để vay vốn, nhưng cán bộ ngân hàng cũng có một phần trách nhiệm. Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam Dak Lak và Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Dak Lak có kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nhưng còn thiếu sót, không chặt chẽ. Các ngân hàng này không xác định được chính xác khối lượng hàng tồn kho tại các thời điểm kiểm tra, không quản lý được tài sản thế chấp là hàng hóa trong kho Phước Hưng. Đối với Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Cư M’gar là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng thiếu chặt chẽ. Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Cư M’gar không kiểm tra, đối chiếu chứng từ gốc nên không phát hiện việc Công ty Phước Hưng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, dẫn đến việc cho một công ty thua lỗ vay số tiền lớn theo hình thức tín chấp. Trách nhiệm này thuộc về ông Dương Hiển Trọng, Trưởng phòng Kế hoạch và Kinh doanh, ông Huỳnh Minh Khoa, Phó phòng Kế hoạch và Kinh doanh kiêm cán bộ tín dụng quản lý khoản vay, còn ông Hoàng Kim Luyện, Giám đốc Chi nhánh chịu trách nhiệm liên đới. Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam Dak Lak và Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Dak Lak là các doanh nghiệp cổ phần nên trách nhiệm của các cán bộ liên quan được xử lý theo quy định nội bộ. Riêng các cán bộ tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Cư M’gar có liên quan, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xét thấy chưa đến mức xử lý hình sự, sẽ kiến nghị xử lý về mặt hành chính theo quy định của Nhà nước.
Nhã Bình
Ý kiến bạn đọc